Đa dạng các hoạt động Ngày hội văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại Lai Châu
Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023 quy tụ các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng, đồng bào các dân tộc 11 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum), với 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người gồm: Si La, Lự, Cống, Bố Y, Ngái, Chứt, B’Râu, Rơ Măm, Ơ Đu, Mảng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo.
Nêu bật lên ý nghĩa văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người là di sản quý giá, tại buổi lễ khai mạc tối 3/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy - Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội và Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023 nhấn mạnh: Các hoạt động của Ngày hội tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa, để các chủ thể văn hoá, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc rất ít người có cơ hội, điều kiện được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, đồng thời cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm và khám phá, với nhiều danh lam, thắng cảnh tươi đẹp, hùng vĩ như: động Pusamcap, thác Tác Tình, cao nguyên Sìn Hồ, 6/10 đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam...
Bày tỏ sự vinh dự và tự hào được chọn là nơi đăng cai tổ chức Ngày hội lần đầu tiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết: Đây là cơ hội quý báu hơn bao giờ hết để được chứng kiến các đoàn về tham dự Ngày hội trình diễn những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa độc đáo và đặc sắc nhất; cùng trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tôn vinh, phát huy những giá trị cốt lõi về văn hóa truyền thống tốt đẹp của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người đến từ 11 tỉnh trong cả nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”, trong vòng 3 ngày, người dân và du khách được hòa mình vào không khí tưng bừng, tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn và giàu bản sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn nghề thủ công truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc như kéo co, bắn nỏ và đẩy gậy; gặp mặt tôn vinh, biểu dương các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia ngày hội...
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được diễn ra xuyên suốt Ngày hội và Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu 2023. Nhân dịp này, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phối hợp cùng Sở VHTTDL Lai Châu tổ chức chương trình famtrip khảo sát các điểm đến, dịch vụ trên địa bàn Lai Châu như: Khu du lịch cầu kính Rồng Mây (huyện Tam Đường), đồi chè Tân Uyên, homestay Paradise Tân Uyên (huyện Tân Uyên), vịnh Pá Khôm, phố đi bộ 15/10, homestay Love Hill Than Uyên (huyện Than Uyên)... với sự tham dự của khoảng 70 đại diện doanh nghiệp lữ hành trên cả nước và đại diện doanh nghiệp nước bạn Lào, cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
Sau chương trình khảo sát, các đại biểu sẽ tham gia góp ý kiến tại Toạ đàm "Đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu" diễn ra vào ngày 5/11/2023.
Hoa Trang