
Phát biểu khai hội, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Hạnh khẳng định: Lễ hội Katê rất có ý nghĩa với đồng bào dân tộc Chăm, đáp ứng nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng; bảo tồn, phát huy những giá trị vốn quý của nền văn hóa dân tộc phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, góp phần quảng bá Du lịch Bình Thuận đến du khách trong nước và quốc tế.
Ngay sau chương trình văn nghệ chào mừng là nghi thức lễ phục, kiệu rước, nghinh, thỉnh và rước y trang Nữ thần Pô Sah Inư từ sân lễ lên tháp chính. Tiếp theo là các nghi lễ mở cửa tháp, lễ tắm bệ thờ Linga - Yoni, lễ mặc trang phục và Đại lễ Katê. Đan xen các nghi thức lễ là phần hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Chăm như: biểu diễn nghề truyền thống dệt, làm gốm, các trò chơi dân gian như thi giã gạo, đội nước vượt chướng ngại vật, bịt mắt đập niêu, thổi kèn Saranai dài hơi, trổ tài đánh trống Baranưng, biểu diễn nghệ thuật múa truyền thống.
Bên cạnh việc trải nghiệm cùng Lễ hội Katê, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng di tích tháp Pô Sah Inư, một nghệ thuật kiến trúc độc đáo của dân tộc Chăm, hay mua sắm những món quà lưu niệm thủ công mỹ nghệ, thưởng thức món bánh gừng, biểu diễn tranh cát, xem trình diễn nghệ thuật Chăm.
Nguyên Vũ