Thông qua 11 Luật và 2 Nghị quyết
Với tinh thần khẩn trương triển khai thi hành Hiến pháp mới, công tác xây dựng pháp luật được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận thấu đáo, thông qua 11 luật: Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phá sản (sửa đổi); Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); Luật Giao thông đường thủy nội địa (sửa đổi), Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Quốc hội cũng đã thông qua 2 nghị quyết và cho ý kiến về 16 dự án luật, 1 nghị quyết khác. Đây là các văn bản pháp luật rất quan trọng, xây dựng nền hành chính lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, theo pháp luật; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Năm 2015, giám sát 2 chuyên đề: hoạt động tố tụng hình sự và chính sách pháp luật về đất đai
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những nội dung mà các thành viên Chính phủ đã giải trình, trả lời chất vấn và cam kết thực hiện. Theo đó, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo các bộ, ngành được chất vấn. Về Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề giám sát cho năm sau theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014. Về Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quốc hội đánh giá đây là một chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần thay đổi và cải thiện đời sống của nhiều người nghèo. Qua đó, tiếp tục khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc quan tâm đảm bảo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo trong bất kỳ điều kiện nào.
Vẫn tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn
Tại kỳ họp này, Quốc hội chưa thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Bởi đây là một nghị quyết quan trọng, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ hơn để sửa đổi có chất lượng hơn, tạo đồng thuận cao hơn trong cử tri và cả đại biểu quốc hội.
Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là đúng đắn, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân. Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến các vị đại biểu quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau. Những nội dung còn có ý kiến khác nhau của đại biểu quốc hội về nghị quyết này là về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, hình thức lấy phiếu, thời điểm, thời gian lấy phiếu, cũng như quy trình xử lý hệ quả của việc lấy phiếu cũng có những ý kiến khác nhau.
Lên án việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII diễn ra trong lúc tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường; trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân 2 nước Việt Nam - Trung Quốc.
Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; gìn giữ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng.
PV