Thực trạng du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh tại tỉnh Quảng Ninh
Thời gian qua, Du lịch Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng khá mạnh mẽ, đóng góp vào sự tăng trưởng đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch. Chính văn hóa đã góp phần làm nên bản sắc riêng của nhiều loại hình du lịch hấp dẫn tại Quảng Ninh, trong đó có du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh đang rất phát triển trên địa bàn tỉnh. Các di sản văn hóa của Quảng Ninh trải dài suốt từ Đông Triều đến Móng Cái, cho đến các đảo xa đất liền như: Cô Tô, Quan Lạn - Minh Châu, Ngọc Vừng... Hiện nay, Quảng Ninh đang lưu giữ 625 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng. Trong đó có vịnh Hạ Long 2 lần được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, 60 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 47 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh...
Du lịch văn hóa lễ hội
Hiện Quảng Ninh có khoảng 70 lễ hội được tổ chức hàng năm, tập trung chủ yếu ở loại hình lễ hội dân gian truyền thống, thời gian tổ chức tập trung từ tháng 1 - 3 âm lịch, mang nét đặc trưng của mỗi vùng đất như: lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả), lễ hội Yên Tử (Uông Bí), lễ hội Tiên Công (Yên Hưng), lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội đình Quan Lạn (Vân Đôn)
Du lịch văn hóa tâm linh
Quảng Ninh có 4 khu di tích trọng điểm là khu di tích danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí), khu di tích lăng mộ các vua Trần (huyện Đông Triều), khu di tích Bãi Cọc Bạch Đằng (huyện Yên Hưng), khu di tích Vân Đồn (huyện Vân Đồn). Ngoài ra, còn có nhiều di tích tiêu biểu khác như: đền Cửa Ông, đình Trà Cổ, đình Quan Lạn, chùa Cái Bầu - Thiền Viện Trúc lâm Giác tâm, chùa Long Tiên...
Trên thực tế, tiềm năng du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh của Quảng Ninh vẫn còn thiếu những điều kiện "đủ". Trong khi khách nội địa rất ưa chuộng tour trảy hội Yên Tử thì với du khách nước ngoài lại không thực sự hấp dẫn. Không chỉ riêng Yên Tử, nhiều điểm du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh của tỉnh phần lớn cũng chủ yếu dành cho khách du lịch nội địa. Để vừa khai thác yếu tố tâm linh, đan xen yếu tố cảnh quan ở các điểm di tích phục vụ du lịch, mở rộng thị trường khách nước ngoài, cần phải có hướng khai thác hợp lý hơn.
Với nguồn nhân lực du lịch như hiện nay, Quảng Ninh chủ yếu tập trung vào lực lượng nhân lực cho phát triển du lịch cảnh quan, nghỉ dưỡng, nhân lực tham gia vào du lịch lễ hội, tâm linh vẫn còn hạn chế, chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là người dân địa phương, sống tại các khu di tích. Họ tham gia bán hàng, mở các nhà nghỉ, quán ăn xung quanh khu diễn ra lễ hội, hầu hết đều tự phát, nhỏ lẻ, chưa có sự quy hoạch, liên kết với các cơ quan chức năng về du lịch trong việc kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch đến với khách hàng.
Cơ sở hạ tầng đến các khu du lịch lễ hội, tâm linh tại Quảng Ninh còn bị hạn chế. Các điểm đến nổi tiếng trong cả nước như đền Yên Tử, chùa Cái Bầu, lễ hội Trà Cổ… hiện nay du khách tiếp cận còn khá khó khăn do địa hình hiểm trở tại các khu di tích; mặt khác, các tuyến đường độc đạo từ bên ngoài vào các điểm du lịch đều rất hẹp, đông phương tiện vận chuyển lưu thông.
Sản phẩm du lịch lễ hội, tâm linh còn ít, thiếu sự đa dạng và tinh tế. Tại các khu vực đền chùa, các khu di tích nơi diễn ra lễ hội tại Quảng Ninh, các sản phẩm bán cho du khách chủ yếu vẫn là những sản phẩm được sản xuất hàng loạt, nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ, không mang tính chất là các sản phẩm đặc trưng của lễ hội, là các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề địa phương. Mặt khác, tệ nạn xã hội tại các khu vực tổ chức lễ hội vẫn còn tồn tại như nạn trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, ăn xin… khiến cho du khách cảm thấy khó chịu và lo lắng khi đến các lễ hội tại Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, sự pha trộn, lai tạp giữa văn hóa gốc và văn hóa hiện đại trong nhiều dân tộc trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều, gây khó khăn không nhỏ cho việc khai thác du lịch. Phần lớn các lễ hội lại diễn ra vào mùa xuân nên việc tổ chức, kết nối các tour cũng gặp nhiều trở ngại.
Giải pháp phát triển du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh tại Quảng Ninh
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch: Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nói chung, ngành Du lịch Quảng Ninh cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, sở thích của du khách đối với loại hình sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh. Qua đó xây dựng và hoàn thiện sản phẩm đặc trưng đối với từng vùng, từng khu di tích trên địa bàn tỉnh; từ đó nâng cao sức cạnh tranh, góp phần vào việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới, nhằm thu hút đối tượng khách du lịch quốc tế.
Tăng cường đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tổ chức các lớp bồi dưỡng về phát triển du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh. Các địa phương cần tranh thủ các dự án đào tạo nhân lực và hỗ trợ kinh phí của tỉnh để đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực du lịch cho địa phương, khuyến khích đào tạo tại chỗ. Tăng cường mở rộng hợp tác giữa các vùng miền có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh trong toàn tỉnh cũng như cả nước để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, đào tạo nghề. Chính quyền và ngành Du lịch của tỉnh cần có sự phối hợp với viện nghiên cứu, trường cao đẳng, đại học chuyên ngành về du lịch để tham gia vào công tác đào tạo nhân lực, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng kiến thức sâu rộng cho đội ngũ hướng dẫn viên là những người hướng dẫn cho du khách hiểu biết về các khu di tích gắn liền với đời sống văn hóa lễ hội, tâm linh của người dân địa phương.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng: Việc mở rộng các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay là hết sức cần thiết, có ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của tỉnh, không chỉ riêng ngành Du lịch. Các ban ngành cần có sự phối hợp với chính quyền để mở rộng các tuyến đường huyết mạch nối liền tỉnh với các vùng lân cận để giảm thời gian lưu thông của người dân cũng như khách du lịch khi muốn tiếp cận các điểm đến ở Quảng Ninh. Tại các khu di tích, chính quyền cần phối hợp với địa phương mở thêm nhiều tuyến đường nhánh tiếp cận các điểm đến hiện nay để tiếp cận các khu du lịch lễ hội, tâm linh nổi tiếng như Yên Tử, chùa Cái Bầu, Trà Cổ,… thì chỉ có một tuyến đường độc đạo duy nhất, điều này gây khó khăn không nhỏ đến khả năng tiếp cận điểm đến của du khách.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh: Hiện nay, Quảng Ninh đang xây dựng 4 trung tâm du lịch lớn gắn với thế mạnh của từng vùng. Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên là trung tâm du lịch văn hoá tâm linh; Hạ Long là trung tâm du lịch cảnh quan; Vân Đồn - Cô Tô là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và Móng Cái là trung tâm du lịch thương mại biên giới. Từ các tâm điểm này, du lịch văn hoá lễ hội, tâm linh trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn, tạo thành những "vệ tinh" mạnh, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên địa bàn. Toàn tỉnh cần có sự đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các điểm đến thành các khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần; gắn kết các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội, tôn tạo các di tích lịch sử; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hoá, sinh thái... phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của người dân và du khách. Tại các điểm đến du lịch lễ hội, tâm linh cần đưa thêm nhiều sản phẩm du lịch vào phục vụ du khách. Ngoài các sản phẩm vốn có, cần quan tâm tới các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để cung cấp cho du khách cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho người dân tại các điểm đến về ý thức phát triển du lịch gắn với bảo tồn nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.
ThS. Đỗ Thị Thu Huyền