Từ năm 2005 - 2009, ITE do UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) TP. Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức. Đứng trước yêu cầu nâng cấp ITE thành sự kiện du lịch quốc gia, tiến tới là sự kiện du lịch quốc tế trong khu vực, đặc biệt đối với các nước tiểu vùng sông Mê Kông, từ năm 2010, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở VHTTDL TP. Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động tại ITE. Để công tác tổ chức được triển khai thuận lợi, Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ VHTTDL là Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh là Phó ban thường trực; Ban Tổ chức do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch là Trưởng ban và Phó Giám đốc Sở VHTTDL là Phó ban.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, đến nay đã có 180 trên tổng số 220 gian hàng đăng ký, trong đó có 23 tỉnh, thành phố, 18 tổng công ty du lịch hoặc công ty đầu mối trong nước, 12 cơ quan xúc tiến du lịch của nước ngoài. Ban Tổ chức vẫn đang tiếp tục vận động thêm doanh nghiệp du lịch trong nước tham gia.
Một phần không thể thiếu của sự kiện đó là người mua (buyers) quốc tế. Ban Tổ chức đã nhận được đăng ký trực tiếp của 347 hãng lữ hành từ 47 nước trên thế giới và 82 người mua do các hãng lữ hành, hãng hàng không giới thiệu. Ban Tổ chức sẽ lựa chọn và mời khoảng 150 - 160 người mua quốc tế. Bên cạnh đó, 15 đại diện báo chí quốc tế từ các thị trường Bắc Âu, Đức, Trung quốc, Thái Lan, Australia, Ấn Độ, Nga cũng đã được Ban Tổ chức lựa chọn và mời tham dự. Bốn chương trình tham quan khảo sát trước sự kiện, bảy chương trình tham quan khảo sát sau sự kiện sẽ được tổ chức cho các nhà báo và người mua quốc tế. Các chương trình tham quan, khảo sát thực tế chủ yếu tập trung ở TP. Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long và vùng biển Phan Thiết.
Bên lề hội chợ ITE 2011 sẽ có một loạt các hoạt động ý nghĩa khác. Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế “Bốn quốc gia - Một điểm đến” được tổ chức vào ngày 13/9/2011, do Bộ trưởng Du lịch các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar đồng chủ trì; dự kiến sẽ thu hút 180 đại biểu đại diện cho các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ban Tổ chức hội nghị đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Thư ký diễn đàn Hợp tác kinh tế Tây Nam Bộ và Ban quản lý Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông mở rộng do Ngân hàng ADB tài trợ. Các nội dung chính sẽ được trình bày và thảo luận tại hội nghị gồm: vai trò của các dự án đầu tư hạ tầng du lịch trong liên kết phát triển du lịch khu vực “Bốn quốc gia - Một điểm đến”; định hướng đầu tư phát triển du lịch bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar; phát triển các dự án giao thông liên kết vùng bằng đường hàng không, đường thuỷ, đường bộ nhằm thúc đẩy trao đổi kinh tế, văn hóa và du lịch của bốn quốc gia; thu hút đầu tư khu phức hợp giải trí, khu du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp; xúc tiến đầu tư hạ tầng du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo Định hướng và tiếp cận thị trường khách du lịch trọng điểm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc dành cho người bán với các diễn giả quốc tế và hội thảo Tiếp thị điểm đến giới thiệu di sản văn hóa thế giới của bốn quốc gia dành cho người mua do đại diện các Cơ quan du lịch quốc gia trình bày cũng sẽ được tổ chức.
Một điểm mới trong công tác tổ chức năm nay đó là để tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng đến tham quan các gian hàng tại hội chợ, trong hai ngày 16 -17/9/2011, Ban Tổ chức sẽ bố trí 5 xe từ 29 - 45 chỗ đưa đón miễn phí từ các điểm chợ Bến Thành, khu Phạm Ngũ Lão, Nhà Văn hóa thanh niên đến Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Sài Gòn.
Chỉ còn gần một tháng nữa một sự kiện du lịch lớn của Việt Nam sẽ diễn ra. Công tác tổ chức đang được gấp rút hoàn thành. Sự ủng hộ, chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Hồ Chí Minh, sự chuyên nghiệp, nhiệt tình của đội ngũ giúp việc và sự tham gia tích cực của các đối tác trong cũng như ngoài nước là những yếu tố đảm bảo cho sự thành công của ITE 2011.
Nguyễn Thanh Hương