Nhắc tới huyện Nga Sơn là nhắc tới truyền thuyết quả dưa hấu của Mai An Tiêm. Quả dưa hấu, giữa những ngày hè cháy bỏng đã lăn nhanh đến mọi làng quê phía Bắc, như một dòng nước mát lành đem lại cho mọi người sức khỏe và niềm tin yêu, vượt qua mọi khó khăn như vợ chồng An Tiêm. Thuở ấu thơ, tôi đã cùng bạn bè lên đỉnh núi Mai An Tiêm (không biết từ bao giờ đảo hoang ngày xưa đã gắn vào đất liền) nhìn ra cửa biển Thần Phù, nghe vang vọng câu thơ “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm” ngấm vào hồn vía…
Huyền thoại tình yêu của đôi trai đất, gái trời giữa chàng thư sinh Từ Thức và tiên nữ Giáng Hương ở huyện Nga xưa; đã làm thổn thức, rung động bao trái tim đa cảm suốt từ thế hệ này đến thế hệ khác. Động Từ Thức, nơi chàng trai gặp gỡ và si mê tiên nữ Giáng Hương thuộc xã Nga Thiện, nằm trong dãy núi đá vôi Tam Điệp, rất gần với nơi vua Quang Trung đã cho quân sỹ nghỉ ngơi, ăn tết sớm, để bất ngờ tiến về đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, giải phóng Thăng Long.
Huyện Nga có chiến lũy Ba Đình tường cao, hào sâu giữa vùng đồng chiêm mênh mang gió nước, là chứng tích cho cuộc kháng chiến hào hùng chống quân xâm lược của hai chủ tướng tài ba là Đinh Công Tráng và Phạm Bành cả trăm năm về trước. Ba Đình giờ là một vùng quê yên bình với màu hoa lục bình lững lờ trôi trên dòng sông đào Hưng Long, níu kéo bước chân người lữ khách.
“Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/Vải tơ Nam Định, lụa làng Hà Đông…” Chiếu Nga Sơn từ lâu đã là một sản phẩm thủ công nức tiếng. Chiếu có nhiều loại, chiếu đậu trơn, chiếu đậu hoa dâu, được dệt bằng những sợi cói loại 1, nhỏ li ti, trắng nõn nà... Rồi chiếu cạp điều, chiếu in nhiều loại hoa lá, cỏ cây, chiếu chữ thọ… loại nào cũng được người dân khắp nơi ưa chuộng. Đến với vùng chiếu Tam Tổng huyện Nga, du khách còn được thưởng ngoạn cánh đồng trồng cói (loại cây chính để dệt chiếu), xanh thăm thẳm, hút tầm mắt, mênh mông trải ra tận mép biển; hay vào các xưởng dệt chiếu ngắm những thôn nữ xinh xắn thoăn thoắt luồn sợi cói qua lưới dây đay, nghe nhịp dập cây go rộn ràng…
Huyền thoại, truyền thuyết, sản vật phong phú hấp dẫn là vậy, song miền đất biển bồi Nga Sơn vẫn còn có nhiều món ăn khoái khẩu. Bình dân có thể kể đến món bún riêu rạm với lớp gạch vàng rực nổi ở trên, rồi cá nác, cá còi, cua biển… loài nào cũng đậm đà hương vị… Cao cấp hơn, có rươi nước ngọt, rươi nước lợ… những đặc sản chỉ xuất hiện vài tháng một năm, không phải nơi nào cũng có. Rươi có thể làm chả hoặc xào, nhưng ngon nhất là làm mắm. Thịt lợn luộc chấm với mắm rươi đã ngấu là món ăn mà ai đã thưởng thức một lần, sẽ chẳng thể nào quên. Mươi năm gần đây, huyện Nga còn nổi tiếng với món gỏi cá lệch, được dân sành điệu xứ Bắc tôn vinh là “đệ nhất gỏi”. Cá lệch giống như con lươn nhưng có lớp da màu trắng xanh, sinh sống trong lớp bùn dẻo quánh của đất biển bồi. Thịt cá lệch được làm kỹ, trắng tinh, ăn tươi sống kèm với một số loại rau thơm, chấm vào bát chẻo sánh vàng, càng nhai càng ngon ngọt.
Huyện Nga còn có những ngôi làng lấn biển nằm kề mép nước, hàng năm vườn tược, cây trái xua con sóng ra xa vài chục mét. Còn đó con đê biển, bề mặt của rộng mấy làn xe chạy, như một bức tường thành giữ cho làng xóm bình yên trước nhiều bão tố… Ngồi viết những dòng chữ này giữa đất Sài Gòn, tôi ước ao giá như mình có đôi cánh, bay ào về với nơi chôn nhau cắt rốn huyện Nga cho thỏa lòng nhớ thương.
Phạm Minh Dũng