Trong thời gian qua, du lịch vùng duyên hải Đông Bắc đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, ngày càng khẳng định vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Các chỉ tiêu phát triển về lượng khách, thu nhập, GDP từ du lịch của các tỉnh trong vùng tăng với tốc độ khá cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng, đã đặt nền móng cho sự phát triển du lịch các địa phương trong vùng để từng bước đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Thị trường khách du lịch ngày càng được mở rộng, đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và được nâng cao về chất lượng, tạo tiền đề phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo...
Tuy nhiên, du lịch vùng duyên hải Đông Bắc vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; có nhiều mục tiêu chưa thực hiện được như quy hoạch đề ra trong đó một số chỉ tiêu đạt ở mức thấp; thị trường khách du lịch tuy đã được mở rộng nhưng thiếu tính ổn định, bền vững; thiếu những sản phẩm du lịch đặc sắc mang bản sắc riêng, có sức cạnh tranh cao để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm, có khả năng chi trả cao; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp; phát triển du lịch còn ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững; việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển (các cơ sở đào tạo còn ít và phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành phố Hải Phòng và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh))...
Chiến lược phát triển du lịch vùng duyên hải Đông Bắc đã xác định mục tiêu: “Phát triển bền vững cùng với việc hình thành sự liên kết phát triển du lịch vùng một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu nhằm hình thành thương hiệu du lịch riêng của vùng duyên hải Đông Bắc; đảm bảo là địa bàn thu hút khách du lịch vào loại hàng đầu của cả nước qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Để thực hiện những mục tiêu đó, việc phát huy cao độ các nguồn lực du lịch là điều rất quan trọng, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Các địa phương trong vùng cần có định hướng phù hợp cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch trên địa bàn. Trong công tác tuyển dụng lao động cần tuyển đúng người, đúng việc, có chính sách ưu đãi đối với nhân tài. Hàng năm, cần tiếp tục tổ chức các cuộc thi tay nghề như lễ tân, hướng dẫn viên, nhà kinh doanh giỏi... nhằm thúc đẩy phong trào thi đua và tôn vinh những người lao động giỏi trong ngành.
Bảo đảm tính hợp lý trong cơ cấu đào tạo, chú trọng đào tạo đồng bộ từ nhân viên phục vụ đến cán bộ quản lý kinh doanh, cán bộ khoa học công nghệ, tránh tình trạng chỉ tập trung đào tạo ở bậc đại học mà ít quan tâm đến việc đào tạo ở các trường trung cấp, trung tâm dạy nghề;... đồng thời, phải tạo ra môi trường nghề thật sự ở các cơ sở đào tạo, “học đi đôi với hành”. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo: kết hợp đào tạo lại, đào tạo mới, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, đào tạo ngắn hạn, dài hạn… cho tất cả các trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, giao tiếp, ứng xử, ngoại ngữ. Liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch, gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực du lịch…
Huy động và sử dụng vốn để phát triển kinh tế du lịch
Một mặt, cần tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển du lịch vào các hoạt động cơ bản như: tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá, xúc tiến du lịch. Mặt khác, huy động các nguồn lực tài chính trong xã hội thông qua hình thức cổ phần hóa các doanh nghiệp du lịch của Nhà nước, tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư kinh doanh du lịch...
Đối với đầu tư hạ tầng các khu du lịch, cần tập trung ưu tiên các dự án quan trọng. Cần đầu tư hệ thống các công trình vui chơi giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và kéo dài thời gian lưu trú của họ. Hiện tại, các công trình này ở vùng duyên hải Đông Bắc còn rất thiếu so với nhu cầu.
Ngành Văn hóa cần xây dựng kế hoạch tôn tạo, tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch chung của vùng để có thể khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên văn hóa. Vùng duyên hải Đông Bắc là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh và giá trị sinh thái ở quy mô toàn cầu, tuy nhiên việc khai thác, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên còn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Vì vậy, một nhiệm vụ hết sức quan trọng của du lịch vùng là khai thác tài nguyên một cách hiệu quả, đồng thời có những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ và tái tạo tài nguyên đó.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ
Để Du lịch vùng duyên hải Đông Bắc phát triển theo hướng kinh tế xanh cho mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam nói chung và vùng duyên hải Đông Bắc nói riêng đã và đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, cần phải tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch. Một số hướng nghiên cứu quan trọng cần được quan tâm bao gồm: nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý điểm đến cho vùng; nghiên cứu quản lý và khai thác hiệu quả các dạng tài nguyên du lịch; nghiên cứu phương pháp thống kê du lịch; nghiên cứu các vấn đề liên quan đến môi trường phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là các sản phẩm hiện đại mang hàm lượng công nghệ cao; nghiên cứu các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và công nghệ xây dựng, vận hành thân thiện với môi trường…
Phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch
Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, đặc biệt là tuyến giao thông đường bộ kết nối các trung tâm du lịch, các điểm đến du lịch quan trọng của vùng. Chú trọng nâng cấp và xây mới các đầu mối giao thông kết nối quốc tế và các trung tâm du lịch trong cả nước, đặc biệt là sân bay quốc tế Cát Bi, Vân Đồn; cảng du lịch biển Hạ Long hoặc Cát Bà.
Tăng cường các trạm cung cấp điện, cải tạo nâng cấp mạng lưới chuyển tải điện để đáp ứng các yêu cầu phát triển du lịch. Cải tạo hệ thống thoát nước cho các thành phố, xây dựng ngay từ đầu hệ thống thoát nước cho các khu, điểm du lịch theo quy hoạch dự án được phê duyệt để đảm bảo độ bền vững của công trình du lịch và vệ sinh môi trường du lịch.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống xử lý rác thải, nước thải du lịch tại các địa bàn trọng điểm du lịch của vùng. Vệc xây dựng hệ thống xử lý chất thải cần đảm bảo vệ sinh môi trường; đặt nhiều thùng rác công cộng trên các tuyến đường, các khu vực công cộng, các khu cắm trại, vui chơi giải trí.
ThS. Phạm Quế Anh
Trường Cán bộ quản lý Văn hóa, Thể thao và Du lịch