(VTR) - Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, tỉnh Bình Phước đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển nghề dệt th�� cẩm truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số Stiêng trên địa bàn huyện Hớn Quản (Bình Phước), giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, chưa tính nguồn vốn của nhân dân tự tham gia đóng góp trong quá trình triển khai thực hiện đề án.
Theo đề án được phê duyệt, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu từ 2016 - 2017 sẽ thành lập và công nhận ít nhất hai làng nghề tại hai xã An Khương và Thanh An và đến năm 2020, thành lập và công nhận ba làng nghề trên địa bàn huyện Hớn Quản; thu hút lực lượng lao động sản xuất nghề tại chỗ đến năm 2017 đạt trên 30% số hộ đồng bào Stiêng 2 xã Thanh An và An Khương tham gia làng nghề và đến năm 2020 phải đạt từ 40 - 50% số hộ đồng bào Stiêng tham gia làng nghề.
Đề án đặt mục tiêu nâng thu nhập cho lao động hoạt động từ nghề dệt thổ cẩm ít nhất phải đạt từ 2 - 4 triệu đồng/tháng; nâng số người lao động qua đào tạo trong các cụm nghề, làng nghề phải đạt từ 60% trở lên và nâng cao sản phẩm tiêu thụ thông qua các kênh như du lịch, chợ, hội chợ, các điểm giới thiệu sản phẩm, hợp đồng đặt hàng.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Stiêng ở Hớn Quản là sản phẩm thủ công của nghề truyền thống lâu đời vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị văn hóa dân tộc đậm nét. Vì vậy, cần phải bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cầm thủ công truyền thống đồng bào Stiêng ở đây nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở vùng nông thôn. Việc bảo tồn, duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Stiêng Hớn Quản cũng nhằm không để mai một, thất truyền - cơ sở để phát triển loại hình du lịch dân tộc học, du lịch văn hóa học và du lịch môi trường sinh thái...
PV