Thể thao giải trí là một dạng thể thao nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí vui chơi của bản thân, tập thể hoặc cộng đồng. Hơn nữa, thể thao giải trí không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn về trang thiết bị, hoặc yêu cầu trình độ chuyên môn tới mức phải chuyên nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo tính cạnh tranh đặc trưng của thi đấu thể thao và quan trọng là rèn luyện sức khỏe, tăng thể lực.
Xuất phát từ đặc thù này, thể thao giải trí nhanh chóng có bước phát triển mạnh mẽ và trên thực tế, không chỉ dừng ở mức "giải trí" đơn thuần mang tính tự phát, loại hình thể thao này đã trở thành bộ phận quan trọng trong đời sống thể thao hiện đại tồn tại song song với các môn thể thao chuyên nghiệp. Giờ đây, cái khái niệm "non-olympic sports" (Các môn thể thao không thuộc hệ thống thi đấu Olympic - PV) đã trở nên quen thuộc với người hâm mộ trên toàn cầu cùng hệ thống Ủy ban, Liên đoàn, hiệp hội... và các giải đấu cấp quốc tế như: World Games; X-Games... Cũng với sự phát triển này, nhiều môn thể thao trước đây chỉ được xem là mang nặng tính giải trí đã xuất hiện trong các đại hội thể thao quốc tế chính thức như: khiêu vũ thể thao; thể thao điện tử (E-sports); bowling; thể thao biển, leo núi...
Đội tuyển thể thao điện tử Việt Nam tham dự AIG3. Ảnh: Quang Thắng
Trở lại với Thể thao Việt Nam. Nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi và nâng cao sức khỏe, thể thao giải trí tự thân nó đã hình thành và phát triển, đặc biệt là tại các đô thị lớn, nơi có mặt bằng kinh tế - xã hội cao hơn. Dù còn manh nha dưới dạng tiềm năng và gắn nhiều với hoạt động kinh doanh hơn là thuộc phạm trù thể thao, nhưng nhiều môn như: đua chó (tại Vũng Tàu); đua ngựa (tại TP. Hồ Chí Minh) cùng hệ thống các câu lạc bộ thể dục thể thao (khiêu vũ thể thao, billiards, thể thao điện tử, thể hình, thể thao dưới nước, golf, quần vợt...) đã hình thành, phát triển khá rầm rộ.
Và trong những năm gần đây, thể thao giải trí đã thực sự được quan tâm, chú trọng đầu tư cũng như nâng cao công tác quản lý từ các cơ quan chức năng nhà nước. Năm 2009, Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam chính thức được thành lập và hiện trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thể dục thể thao cũng đã có bộ phận Thể thao giải trí (thuộc Vụ Thể dục thể thao quần chúng). Bên cạnh việc xây dựng các quy định, quy chế về chính sách, môi trường, thủ tục hành chính, an ninh, y tế, bảo hiểm, các điều kiện ưu đãi… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thể thao giải trí phát triển, đáng chú ý hơn là từ phong trào, nhiều đội tuyển thể thao giải trí cấp quốc gia đã được hình thành, tham dự các giải đấu quốc tế và giành thành tích đáng khích lệ.
Điển hình là tại SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia năm 2011, trong thành phần của đoàn Thể thao Việt Nam có nhiều đội tuyển thể thao dưới dạng giải trí như: dù lượn, leo tường, patin, bowling... tham dự bằng kinh phí xã hội hóa và giành được 1 tấm huy chương bạc được xem “quý như Vàng” của tuyển thủ Phan Thanh Nhiên ở nội dung leo tường tốc độ nam. Hay những thành tích đáng ghi nhận ở các kỳ đại hội thể thao trong nhà, đại hội thể thao bãi biển châu Á, các giải đấu quốc tế... với những môn thể thao giải trí khác.
Tóm lại, trong sự phát triển của mình, thể thao giải trí không chỉ đóng góp cho sự phát triển chung của Thể thao Việt Nam mà còn giúp nâng cao sức khỏe cho quần chúng nhân dân, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, thị trường kinh tế thể thao.. góp phần quảng bá về đất nước, con người Việt Nam thông qua các hoạt động du lịch - thể thao - giải trí. Đây cũng chính là bước đi mang tính tất yếu nữa của thể thao nước nhà trong bối cảnh phát triển chung của toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hoàng Hà