Nghề housekeeping ra đời như một tất yếu của cuộc sống
Trước đây, nghề housekeeping thường được hiểu đơn giản là dọn phòng và người làm nghề housekeeping được gọi là hầu phòng, họ thường là những người lao động chân tay, học việc bằng cách truyền miệng và do người làm trước hướng dẫn người người làm sau. Xã hội ngày càng phát triển và yêu cầu về cái sạch, cái đẹp của con người không còn đơn giản như trước nữa, vì thế nghề housekeeping được nâng lên một tầm cao mới, cần sự chuyên nghiệp hơn, đồng bộ hơn và housekeeping đã trở thành một nghề không thể thiếu trong xã hội văn minh. Nghề housekeeping nói chung và Housekeeping trong khách sạn nói riêng mang tính đặc thù, đòi hỏi người làm không chỉ phải có sức khỏe mà còn phải có kiến thức chuyên sâu, có kỹ năng nghề thành thạo, có khả năng giao tiếp tốt, có óc thẩm mỹ, sáng tạo và nhiều hơn thế nữa, do vậy housekeeping chuyên nghiệp trong khách sạn còn được coi là một nghệ thuật.
Có khi nào bạn lặng người vì vẻ đẹp của những vườn hoa muôn sắc, những cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng xung quanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng; có khi nào bạn bị choáng ngợp bởi sự sang trọng, lộng lẫy của những đồ trang trí độc đáo trong sảnh khách sạn, hay có cảm xúc trào dâng khi mở cánh cửa phòng ngủ nhìn thấy một đôi thiên nga xinh đẹp cùng cách bài trí ấn tượng?... Những công việc đó được tạo nên bởi đội ngũ housekeeping.
Giữ vai trò quan trọng trong các khách sạn, đội ngũ housekeeping luôn cố gắng tìm kiếm các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm mới nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng, của chủ đầu tư... Họ có nhiệm vụ đảm bảo cho khách sạn luôn tươi mới, chỉn chu và sạch sẽ đến từng chi tiết cũng như duy trì các trang thiết bị như những đồ nội thất quý, các đồ mạ chrome, những sàn đá… được luôn bóng đẹp và bền lâu.
Nhân viên housekeeping là nhà tâm lý học, họ hiểu lúc nào cần nói chuyện với khách dài hơn và lúc nào thì không nên nói nhiều đảm bảo sự thoải mái cho khách trong thời gian ở tại khách sạn. Cho dù có những người khả năng giao tiếp ngoại ngữ chưa giỏi, nhưng bù lại thái độ hiếu khách, sự nhiệt tình hỗ trợ khách hàng, sự quan tâm và tận tình chăm sóc khách hàng đến từng chi tiết đã góp phần quan trọng khiến khách hàng mong muốn quay lại khách sạn như trở về ngôi nhà của chính mình.
Một trong những tiêu chí quan trọng đo lường thương hiệu của khách sạn, đẳng cấp của chủ đầu tư là sự hài lòng của khách hàng về cách bài trí trong khách sạn, về môi trường sạch sẽ và thái độ tận tình, hiếu khách của nhân viên… Bởi thế, ở đâu có đội ngũ nhân viên housekeeping chuyên nghiệp ở đó có lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Cơ hội phát triển ở Việt Nam và trên thế giới
Hầu hết các tổng giám đốc trong các khách sạn liên doanh hay chủ đầu tư người nước ngoài đều đánh giá cao và rất trân trọng những đóng góp của bộ phận housekeeping đối với sự thành công của khách sạn. Tuy nhiên, vẫn có những người trong và ngoài ngành khi nhìn vào công việc của nhân viên housekeping, mặc định housekeeping chỉ đơn giản là dọn dẹp dẫn đến việc nhiều người không muốn xin làm công vệc housekeeping hay sinh viên không muốn học nghề housekeeping, gây nên tình trạng thiếu nguồn nhân lực nghề housekeeping hiện nay. Để khắc phục điều này, chúng ta cần nhìn nhận đúng về nghề housekeeping, xem nghề housekeeping chuyên nghiệp trong khách sạn là một nghệ thuật và cần ghi nhận, tôn vinh họ đúng mức.
Theo khảo sát sơ bộ năm 2017 từ các hội viên CLB quản lý Buồng Việt Nam, có tới hơn 90% những người quản lý buồng phòng ở các khách sạn 3 - 5 sao ở Hà Nội đang làm việc là do nghề chọn người, từ những cơ duyên khác nhau mà đến với công việc buồng phòng. Tuy nhiên, họ đều có một điểm chung là khi đã làm nghề housekeeping đều tìm thấy tình yêu trong công việc và rất tự hào về nghề mình làm. Đó cũng là lý do rất nhiều người gắn bó với nghề housekeeping 10 năm, 15 năm thậm chí 20 năm và hơn thế nữa.
Cơ hội phát triển sự nghiệp từ công việc housekeeping rất lớn. Hiện nay, ngành Du lịch và khách sạn trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu của xã hội rất nhiều trong khi nhân sự có trình độ quản lý housekeeping ở Việt Nam chưa đáp ứng được, một phần do chúng ta không có các trường đào tạo chuyên ngành về quản lý housekeeping ở Việt Nam và không nhiều khách sạn có các chương trình đào tạo cho người quản lý housekeeping hay cho các đội ngũ kế cận một cách chuyên nghiệp, vì vậy có rất nhiều người làm tốt vai trò của một nhân viên nhưng chưa được đề bạt lên làm quản lý. Để khắc phục những hạn chế trên, những người làm nghề housekeeping chuyên nghiệp cần trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng khác như:
Kỹ năng quản lý, giám sát các hoạt động của bộ phận buồng: thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn, quy trình - SOPs phục vụ chuyên nghiệp, giám sát hiệu quả các hoạt động thường ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Kỹ năng đánh giá thực trạng, mức độ hiệu quả, liên tục sáng kiến, điều chỉnh quy trình, cách tiếp cận khách, nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, của tổng giám đốc (chủ đầu tư) và của các đồng nghiệp…
Kỹ năng lập kế hoạch: xây dựng kế hoạch hoạt động theo năm, quý, tháng, tuần... làm việc ưu tiên trước, sau.
Kỹ năng tổ chức công việc: Đảm bảo đủ nhân lực và nguồn lực, trang thiết bị dụng cụ,.. để triển khai các kế hoạch đã đề ra.
Kỹ năng lãnh đạo: tạo động lực, gắn kết đội ngũ, triển khai hiệu quả các nguồn lực..., đáp ứng cao nhất sự hài lòng của khách, của nhân viên, của tổng giám đốc
Kỹ năng quản lý tài chính: cách lập dự toán ngân sách, xây dựng Parstock, cách kiểm soát và đặt hàng mới cho kho, cách quản lý chi phí hiệu quả P&L, cách xây dựng CAPEX hợp lý...
Kỹ năng quản lý nhân sự bộ phận: Xây dụng cơ cấu tổ chức nhân sự trong bộ phận, biết cách tuyển dụng, tuyển chọn và giữ nhân viên. Đánh giá năng lực làm việc của nhân viên, xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch phát triển của nhân viên/Talent development. Xử lý các khiếu kiện của nhân viên và giải quyết các vấn đề. Đào tạo và huấn luyện nhân viên…
Kỹ năng tổ chức cuộc họp hiệu quả: Lập kế hoạch chuẩn bị cho cuộc họp, tổ chức điều hành cuộc họp. Kỹ năng thuyết trình và giám sát sau cuộc họp.
Những kỹ năng khác bổ trợ như: quản lý dự án, giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm, tổ chức công việc và quản lý thời gian, tạo động lực, đào tạo, đánh giá nhân viên, chăm sóc khách hàng…
Với sự cạnh tranh lao động trong thị trường ngày càng khốc liệt, việc chủ động học tập, bổ sung kiến thức, hoàn thiện kỹ năng và tham gia các hội nghề housekeeping ở Việt Nam hay quốc tế cho những người đang làm nghề housekeeping nói riêng cũng như những người xác định phát triển sự nghiệp theo nghề housekeeping cần phải được chú trọng và đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới.
Một khách sạn đẳng cấp muốn trường tồn với thời gian cần rất nhiều yếu tố và không thể thiếu được là những nhân viên bộ phận Housekeeping, những “con ong chăm chỉ” thường xuất hiện phía sau, luôn nỗ lực cùng các bộ phận khác đảm bảo cho các hoạt động của khách sạn vận hành hoàn hảo, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. |
ThS. Nguyễn Quang
Chủ tịch CLB quản lý Buồng Việt Nam (VEHA)
(Tạp chí Du lịch)