Tại buổi tiếp, ông Trương Tùng Bình - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Giang Tô chia sẻ, ông rất vui mừng quay lại Việt Nam sau lần đến Việt Nam năm 2012 và thấy Việt Nam rất đẹp và nhiều thay đổi. Giới thiệu về Du lịch Giang Tô, ông Trương Tùng Bình cho biết: Giang Tô ở vùng duyên hải phía Đông Trung Quốc, hạ lưu của sông Trường Giang, diện tích 100.000km2, đứng thứ hai các tỉnh ở Trung Quốc, dân số hơn 80 triệu dân (chiếm 6% dân số Trung Quốc và có mật độ dân số cao nhất trong các tỉnh của Trung Quốc). Giang Tô là điểm nóng phát triển kinh tế của Trung Quốc (chiếm 10% GDP của cả nước năm 2018), có sự chênh lệch phát triển giữa vùng phía Nam giàu có và vùng phía Bắc còn mang tính nông thôn cao.
Đặc biệt, địa hình của Giang Tô cũng giống Việt Nam, trải dài từ trên xuống dưới, có đường bờ biển dài 1.000km. Giang Tô là một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch tại Trung Quốc, với các danh hồ, danh sơn, danh tuyền, danh viên, danh tự nổi tiếng khắp đất nước. Tiềm năng du lịch Giang Tô đa dạng với lịch sử lâu đời hơn 2.000 năm, có rừng nguyên sinh, phong cảnh các điểm du lịch phong phú, văn hóa đa dạng; cơ sở lưu trú có hơn 100 khách sạn 5 sao; và năm 2018 thu hút được 810 triệu lượt du khách đến Giang Tô.
Qua buổi làm việc, ông Trương Tùng Bình mong muốn tiếp tục phát huy truyền thống quan hệ lâu đời giữa Việt Nam - Trung Quốc, từ đó phát triển du lịch giữa 2 nước, trong đó có tỉnh Giang Tô. Ông Trương Tùng Bình đề nghị, tăng cường trao đổi giữa hai bên để tìm ra những cơ hội hợp tác với nhiều hình thức khác nhau; tăng cường đẩy mạnh các hoạt động về văn hóa du lịch; đưa các đoàn du lịch, công ty du lịch của Việt Nam sang Giang Tô tham quan.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh: Những năm qua, khách du lịch Trung Quốc luôn xếp thứ hạng đầu trong lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Năm 2018 Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có 5 triệu khách Trung Quốc, và lượng khách Việt Nam đi Trung Quốc cũng tương đương. Qua đó cho thấy Việt Nam và Trung Quốc đều có những điều kiện hấp dẫn để phát triển du lịch.
Thực tế, hiện nay rất nhiều khách Trung Quốc đến Việt Nam du lịch theo loại hình charter bay thẳng tới Nha Trang, Đà Nẵng; tuy nhiên còn rất nhiều điểm đến Việt Nam còn chưa được khám phá. Phó Tổng cục trưởng mong muốn sau này sẽ mở thêm nhiều đường bay trực tiếp và nhiều khách du lịch cao cấp Trung Quốc đến các điểm đến khác của Việt Nam ngoài Nha Trang và Đà Nẵng.
Năm 2010, Tổng cục Du lịch và Cục Du lịch tỉnh Giang Tô đã ký Bản ghi nhớ hợp tác du lịch trong chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam, có hiệu lực 5 năm và đã hết giá trị vào năm 2015. Năm 2017 lần đầu tiên Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô. Và năm 2019, lần đầu tiên Tổng cục Du lịch đón đoàn Giang Tô đến làm việc về du lịch.
Vì thế, nhân dịp này, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng đề xuất hai bên xem xét ký lại Bản ghi nhớ hợp tác du lịch giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và Cục Du lịch tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác du lịch giai đoạn 2019 - 2024 gồm các nội dung chính như: tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm phát triển du lịch; hợp tác về xúc tiến, quảng bá và đầu tư du lịch; thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch; hợp tác về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch...
Qua buổi tiếp, đại diện hai bên đồng tình hợp tác phát triển du lịch giữa hai bên, trong đó có nhấn mạnh về du lịch nông nghiệp, nông thôn và hợp tác hỗ trợ đào tạo về du lịch. Trong thời gian tới, hai bên tăng cường trao đổi thông tin về quy định, chính sách liên quan tới du lịch, số liệu du lịch và các nghiên cứu thị trường về du lịch; hỗ trợ nhau tổ chức xúc tiến, khảo sát sản phẩm, tuyên truyền trên báo, tạp chí, website, truyền hình...; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác kinh doanh du lịch.
Hạ Tinh