Để làm homestay, trước hết phải có nhà rộng và đủ tiện nghi tối thiểu. Gia đình sẽ để một phần cho khách thuê. Có thể từng phòng riêng hoặc ở tập thể tùy khả năng và điều kiện từ cả hai bên. Với homestay, thời gian lưu trú thường dài hơn. Do vậy, phải quy hoạch cụ thể, gắn với các làng nghề, các điểm sản xuất. Du khách có thể ăn chung, tham gia lao động và học nghề với cư dân. Không phải địa phương nào, gia đình nào cũng có thể làm homestay. Trước hết, đó là những làng xưa, nhà cửa thoáng rộng, không chỉ có chỗ ngủ riêng mà còn có khu vệ sinh riêng cho khách. Giao thông tương đối, có các điểm vệ tinh để giữ chân khách, từ lao động nông nghiệp, tiểu thủ công, mỹ nghệ đến sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản ẩm thực và nấu ăn.
Một số nơi, các “khách sạn” được xây dựng trong khu dân cư; hoặc người dân dùng nhà ở cho thuê toàn bộ. Các cơ sở đó không thể gọi là homestay, dù mục đích lưu trú gần giống nhau. Nếu xây mới, chưa đủ chuẩn khách sạn, không có nhà ăn riêng thì gọi là guesthouse (nhà cho khách thuê, không thể dịch là nhà khách hoặc nhà nghỉ, vì các bộ, ngành tại Việt Nam có nhà khách – nhà nghỉ rất to). Nếu ở tập thể thì gọi là hostel. Còn nhường cả nhà đang ở cho khách thuê thì gọi là housestay. Dạng homestay lập lờ nay ở Việt Nam khá phổ biến. Đó là các nhà cổ ở Tây Nam Bộ, các nhà rông – nhà dài ở Tây Nguyên, các nhà cho thuê ở nhiều nơi khác. Tại các nước, resort không chỉ ở ven biển mà ở giữa đồng, giữa rừng hay giữa làng; tùy theo sự chọn lựa thị phần của nhà đầu tư.
Tôi đã ở homestay một số nước nhưng ấn tượng gần gũi và Việt Nam có thể vận dụng là homestay ở thị trấn Amphawa, tỉnh Samut Songkham, cách Bankok chừng 100km. Biểu tượng của thị trấn là tượng đài đom đóm sống động và xinh xắn. Amphawa có resort sinh thái cao cấp, các homestay và nhiều điểm đến vệ tinh như chùa cổ, bảo tàng, cơ sở sản xuất… Đến Amphawa, ở homestay và khám phá văn hóa Thái Lan với 2 điểm nhấn là chợ nổi và tour đom đóm. Các chợ nổi Thái Lan thường được hình thành để làm du lịch. Phần buôn bán trên sông ít hơn, chủ yếu là trang trí cho các hoạt động trên bờ. Chợ hoạt động vào chiều tối, đông nhất là cuối tuần. Các mặt hàng chủ lực là quần áo, hàng lưu niệm, đồ ăn uống và trái cây. Khách đi bộ trên bờ là chính, thi thoảng mới có mấy nhóm khách đi thuyền. Mấy thuyền nhỏ bán đồ ăn trên sông, không có “bẹo” mà có sào thu tiền và nhận hàng.
Khách xem đom đóm vào buổi tối. Dọc mấy con rạch đổ vào sông Mae Khlong, đom đóm nhiều vô kể. Chúng bay lượn lập lờ và bám đặc quanh những gốc cây bần, tạo nên nhiều hình thù ma quái. Gió sông se lạnh, đêm đặc sánh, bốn bề im lặng, chỉ có đám muỗi ồn ào, càng tạo cảm giác rờn rợn. Thuyền lướt nhẹ, cách xa mấy chục mét. Cấm chụp hình và quay phim bằng đèn cũng như bắt cóc đom đóm. Nhiều khách Tây tỏ ra phấn khích.
Nhưng ấn tượng nhất với tôi ở Amphawa là những vệ tinh quanh các homestay. Đến cơ sở làm mứt thực phẩm chức năng, tôi đã nếm thử “nguyên liệu” là loại dây rừng, thân xù xì gai, đắng quắt lưỡi. Mấy năm sau, mới phái hiện đó là cây ký ninh, dùng để trị sốt rét. Vào các resort sinh thái, trong phòng luôn có những túi nhỏ đựng tro. Hỏi ra, đó là tro các loại trái cây điếc, dùng để khử mùi và đuổi côn trùng thay cho các loại nước xịt phòng hóa chất. Đi thực địa, thấy cũng đơn giản. Lò đốt thủ công bằng đất sét nối với chiếc thùng phi. Mỗi lần đốt chừng trăm kg. Sau mấy giờ, trái cây điếc thành tro, gọi là than hoạt tính, vẫn giữ nguyên hình dạng, được cho vào các túi nhỏ. Giá tro trái cây điếc đắt gấp 3 lần trái cây chín. Càng kinh ngạc, khi biết rằng, cả hướng dẫn kỹ thuật lẫn bao tiêu sản phẩm đều do Tổng cục Du lịch đảm nhận. Đoàn famtrip chỉ có 6 người được chọn lọc và mời trực tiếp vì đi đông thì tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả). Ăn mấy viên mứt, cũng trả tiền sòng phẳng, bởi các doanh nghiệp đã đóng thuế đầy đủ.
Hồi ở Campuchia, nghe các lão nông bảo cây dừa cũng lấy nước được như cây thốt nốt. Mấy chục năm, tìm đỏ mắt, chẳng thấy đâu. Đến Amphawa, tôi đã leo lên cây dừa, uống từng giọt đang tí tách từ cuống hoa xuống chai nhựa. Kỹ thuật y như lấy nước thốt nốt. Lấy nước từ bông thì hoa sẽ không ra trái. Nước bông dừa, ngọt thanh, thơm dịu dùng giải khát rất tuyệt. Uống không hết thì nấu thành đường dừa độc đáo. Khách vào lò đường thủ công, vừa uống thử nước bông dừa, vừa tham gia làm đường dừa và ra về không quên mua thêm mấy ký làm quà.
Lâu nay, cứ tưởng du lịch Thái Lan chỉ giỏi shopping. Không ngờ, họ làm gì cũng chuyên nghiệp và bài bản. Nghĩ lại homestay của người Việt mà ngậm ngùi. May mà còn có bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Người Thái ở đây khá giả, nhà sàn to rộng, cảnh quan chung quanh cực đẹp. Người trong nhà, vừa là nhân viên phục vụ, vừa là đầu bếp, vừa là diễn viên, có thể sử dụng vài ngoại ngữ. Homestay bản Lác có 5 không “không ăn xin – không bán hàng rong – không karaoke – không nhậu nhẹt – không trộm cắp”. Buổi tối, các cửa hàng không cần đóng cửa. Lần đưa đoàn cựu tù thành phố vào ở, anh Hà Công Toàn, con trai chủ nhà, vội đi mua cả chục cái bô vì sợ khách lớn tuổi, nửa đêm xuống nhà vệ sinh vất vả. Cách phục vụ và tổ chức ăn đứt Thái Lan và nhiều nước. Chỉ thua vai trò hỗ trợ của nhà nước, thiếu các điểm vệ tinh như homestay Thái Lan.
Homestay của các nước là thương hiệu, còn Việt Nam, đang làm kiểu phong trào. Người dân phải tự bơi, giữa mênh mông lúng túng, dù tiềm năng homestay Việt Nam có thừa.
Nguyễn Văn Mỹ
(Tạp chí Du lịch)