Hội thảo mở ra là cơ hội để ngành Du lịch Quảng Bình tiếp thu các ý kiến, từ đó đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực và các hoạt động cho sự phục hồi và phát triển của ngành Du lịch Quảng Bình trong tình hình mới.
Năm 2022, du lịch Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách; tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu là một trong những điểm đến được tìm kiếm và lựa chọn nhiều nhất trên trang tìm kiếm trên các nền tảng số; tiếp tục được các tạp chí uy tín bình chọn, đánh giá là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam, Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục là một trong 10 vườn quốc gia được yêu thích nhất châu Á và thế giới.
Ông Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong triển khai các hoạt động để phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng trong điều kiện mới. Ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực trong công tác quảng bá, phát triển sản phẩm để thích ứng với vận hội mới, thời cơ mới, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong những điểm đến thiên nhiên an toàn, hấp dẫn hàng đầu tại khu vực.
Tham dự hội thảo, các đại biểu đã phân tích, trình bày những vấn đề, nội dung góp phần phát triển du lịch Quảng Bình trong tình hình mới, như: Chiến lược thu hút khách nội - đón đầu khách ngoại; chuyển đổi số; thích ứng và tăng trưởng; xây dựng sản phẩm du lịch trong xu thế mới; phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam; xúc tiến và liên kết du lịch trong tình hình mới nhìn từ Quảng Bình.
Các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế của du lịch Quảng Bình, từ đó, gợi mở thêm các giải pháp, kiến nghị để du lịch Quảng Bình thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn trong tình hình mới, tận dụng được các cơ hội hậu dịch bệnh, hoàn thành mục tiêu ngành Du lịch đã đặt ra cho năm 2022 và hướng tới phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.
Cụ thể như, tăng cường liên kết với các địa phương lân cận để phát triển du lịch; xác định sản phẩm du lịch trọng điểm của du lịch Quảng Bình sau dịch nhằm đáp ứng nhu cầu du khách trong giai đoạn hiện nay; ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch, các hoạt động du lịch về đêm, phố đi bộ với các hoạt động giải trí, các trung tâm mua sắm, khách sạn, nhà hàng đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu lớn cho nguồn khách có khả năng chi tiêu cao; quan tâm tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực địa phương, doanh nghiệp để đảm bảo đủ lao động, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành trong bối cảnh phát triển mới…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho biết: Trước bối cảnh mới, tỉnh Quảng Bình cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng khôi phục và phát triển hoạt động du lịch; thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện bình thường mới. Tỉnh tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, mang lại giá trị gia tăng cao hơn so với trước đại dịch; không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch.
Sự kiện lần này sẽ đánh giá vai trò, ý nghĩa của ngành Du lịch Quảng Bình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất, đóng góp các giải pháp hữu hiệu cho phát triển du lịch trong thời gian tới. Đồng thời, góp phần quảng bá dòng sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách trong và ngoài nước, cũng như thu hút đầu tư vào ngành du lịch của tỉnh Quảng Bình.
Lương Công Thành