Khởi động dự án "Xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển bền vững du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026"
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thuỷ đánh giá cao đề xuất của EUD, TAB và nhóm chuyên gia quốc tế đã hỗ trợ cho ngành Du lịch Việt Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19 bằng hoạt động thiết thực thông qua dự án ‘‘Xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi và phát triển bền vững Du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026’’.
"Cuộc họp khởi động dự án rất đúng thời điểm khi Chính phủ cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3/2022", Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thuỷ nhấn mạnh.
Thông tin về việc xây dựng kế hoạch tổng thể, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB cho biết mục tiêu ban đầu của kế hoạch là xây dựng chiến lược phục hồi du lịch Việt Nam sau dịch COVID-19, kế hoạch không những giúp ngành Du lịch Việt Nam phục hồi hoàn toàn mà còn có nhiều lựa chọn để phát triển du lịch có khả năng cạnh tranh và bền vững hơn thông qua việc khắc phục những thách thức cơ bản và lâu dài.
"Chúng tôi hy vọng việc xây dựng 1 kế hoạch chiến lược như vậy sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch có thể vận dụng để ứng phó nhanh hơn với thách thức sau đại dịch và phát triển du lịch bền vững", Chủ tịch TAB nhận định.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Jesus Lavina, Phó Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển EUD cho rằng, hiện tại 1 số điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam đã có kế hoạch phục hồi, tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch tổng thể toàn diện và có tính chiến lược cho sự phục hồi và phát triển. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch trong thời điểm này là rất thích hợp khi Việt Nam đã chính thức mở cửa lại các hoạt động du lịch. Cùng với đó ngày 15/4 tới đây Việt Nam sẽ cấp hộ chiếu vacxin cho người dân, các chính sách này được ban hành rất kịp thời và đã góp phần tháo gỡ rào cản, tạo đà cho việc mở cửa du lịch quốc tế trở lại.
Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thuỷ cũng cho rằng để phát triển du lịch bền vững, an toàn, thân thiện thì việc khởi động dự án rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Tại cuộc họp, ông Jan-Bjarni Bjarnason và nhóm chuyên gia quốc tế đã trình bày tổng quan dự án, trong đó với mục tiêu tổng thể nhằm hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 và phát triển bền vững trong tương lai ở các cấp độ và quy mô khác nhau.
Dự án gồm 5 hoạt động chính là trọng tâm của Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch: (1) Sản phẩm du lịch bền vững và an toàn; (2) Nguồn nhân lực du lịch tay nghề cao; (3) Quản lý điểm đến bền vững và an toàn; (4) Tiếp thị và truyền thông du lịch hiệu quả; (5) Chuyển đổi số trong du lịch.
Trong đó, kết quả chính của dự án sau khi hoàn thành là Kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch (bằng tiếng Anh và tiếng Việt) bao gồm các hướng dẫn để phục hồi và phát triển du lịch bền vững. Đề xuất cụ thể cho triển khai dự án: các chỉ số đo lường hiệu quả để theo dõi việc triển khai Kế hoạch và các nguồn lực cần thiết để triển khai kế hoạch.
Thảo luận tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tổng cục Du lịch Trần Phú Cường cho rằng, đây là dự án vô cùng ý nghĩa và là tài liệu để giúp toàn ngành Du lịch Việt Nam có cơ sở để thực hiện. Tuy nhiên, Vụ trưởng Trần Phú Cường cũng kỳ vọng dự án sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp để triển khai dự án, đồng thời xác định phạm vi, mục tiêu rõ ràng để dự án vận dụng khả thi và có ý nghĩa.
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Thuỷ giao Vụ Lữ hành làm đầu mối, đồng thời là kênh thông tin kết nối giữa các bên để triển khai cơ chế phối hợp thực hiện dự án.
PV