Tại Hội thảo, CIEM cho biết, giai đoạn 2010-2018, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia được điều chỉnh liên tục tăng, tuy nhiên tỉ lệ người không sử dụng giảm, tỉ lệ người lạm dụng vẫn tăng cao. Lượng đồ uống có cồn tiêu thụ trong khu vực chính thức cũng như phi chính thức tăng nhanh, đạt bình quân 8,3 lít/người/năm giai đoạn 2015-2017 vối tốc độ tăng bình quân năm đạt 8,1%, tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 10 năm. Tỉ lệ người nghiện rượu, bia tăng từ 1,4% năm 2010 lên 14,4% năm 2016; tương ứng với 49,3% người chưa bao giờ sử dụng rượu bia năm 2010 giảm còn 38,6% năm 2016. CIEM cũng cho rằng, chính sách thuế TTĐB hiện nay chưa đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực chính thức và phi chính thức khi có đến 63% khối lượng cồn nguyên chất được tiêu thụ ở khu vực phi chính thức mà không phải chịu kiểm soát cũng như chi phí về thuế.
CIEM đưa ra 5 kịch bản đề xuất sửa đổi thuế TTĐB đối với ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam: giữ nguyên phương pháp thuế tương đối và tăng thuế suất theo lộ trình; áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, kết hợp cả thuế suất tương đối trên giá bán buôn của sản phẩm và thuế suất tuyệt đối trên mỗi lít sản phẩm tiêu thụ; áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, song thuế suất tuyệt đối tính trên mỗi lít cồn nguyên chất, thay vì mỗi lít sản phẩm tiêu thụ; giảm mạnh mức thuế suất tương đối từ năm thứ 2 và tăng mạnh mức thuế tuyệt đối trên mỗi lít tiêu thụ; giảm mạnh mức thuế suất tương đối từ năm thứ 2 và tăng mạnh mức thuế tuyệt đối trên mỗi lít cồn nguyên chất. CIEM đặc biệt nhấn mạnh việc áp dụng các kịch bản sẽ đảm bảo những mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra đối với Chiến lược cải cách thuế trong giai đoạn 2021-2030; phương pháp thuế hỗn hợp mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với phương pháp thuế tương đối; việc tăng mạnh mức thuế tuyệt đối đem lại kết quả về thu NSNN vượt trội hơn nhiều; phương pháp thuế hỗn hợp cũng giúp Chính phủ hạn chế được tác động tiêu cực từ khu vực đồ uống phi chính thức như thất thu thuế, chi phí chăm sóc sức khỏe…
Theo ông Ludovic Ledru, đại diện Tiểu ban Rượu vang và Rượu mạnh – Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), mô hình đánh thuế theo phương pháp thuế tương đối không đảm bảo công bằng giữa sản phẩm chất lượng cao và chất lượng thấp, thậm chí còn khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm giá rẻ với nồng độ cồn từ trung bình đến cao. Thay vì các chính sách nhằm thúc đẩy chính thức hóa sản xuất của khu vực phi chính thức như đơn giản hóa quy trình đăng ký để được cấp giấy phép, việc tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt sẽ càng không khuyến khích các nhà sản xuất rượu phi chính thức đăng ký kinh doanh nhằm trốn thuế, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề xuất hướng chính sách thuế TTĐB vào khi vực sản xuất phi chính thức; việc tính thuế phải trên cơ sở giá, sức mua, chi phí sản xuất cũng như nuôi dưỡng nguồn thu; đồng thời cân nhắc mức thuế cũng như vấn đề quản lý để tránh dẫn phát hoạt động buôn lậu do giá đồ uống có cồn trong nước quá cao. Nguyên Viên trưởng CIEM Lê Đăng Doanh còn đắn đo vấn đề tăng GDP do tăng tiêu thụ đồ uống có cồn; đồng thời nhấn mạnh vai trò của các Bộ, ngành và cơ quan quản lý địa phương trong việc giảm tỉ lệ đồ uống có còn khu vực phi chính thức.
Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương khuyến nghị, Chính phủ nên ổn định môi trường chính sách trong những năm tới, đặc biệt là chính sách thuế, nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh quản lý khu vực phi chính thức sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu chính sách nhằm giảm lạm dụng đồ uống có cồn nói chung, tăng thu ngân sách, và vẫn đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp. Đồng thời, khi sửa đổi Luật Thuế TTĐB ở thời điểm phù hợp, Chính phủ nên xem xét việc áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp dựa trên số lít cồn nguyên chất, bởi sự phù hợp với bối cảnh và khả năng thích ứng của Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy đạt các mục tiêu chính sách.
Chính sách thuế TTĐB hiện tại của Việt Nam đang nắm “kẻ có tóc”, tức là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nghiêm túc. Trong khi “kẻ trọc đầu” là những nhà sản xuất phi chính thức chiếm đến gần 70% thì không phải đóng thuế. Điều này không công bằng với các doanh nghiệp. Việc đề xuất chính sách thuế TTĐB nên hướng về những nhà sản xuất phi chính thức. Các sản phẩm của những làng nghề, hộ sản xuất cá thể đều có thể đăng ký nhãn mác, đăng ký doanh nghiệp, nộp thuế, được kiểm tra chất lượng... Như vậy việc sử dụng các sản phẩm đó trong hoạt động du lịch cộng đồng cũng khiến du khách an tâm. (Đại diện Cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN Bùi Kim Thùy).
|
Thanh Minh