Thực trạng khó chồng khó
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 16 lần đều chỉnh, trong đó có đến 13 lần điều chỉnh tăng giá. Và ngay sau ngày tăng giá 13/6, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ giảm thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu đang tăng “phi mã” trong nước. Thế nhưng, người dân chưa kịp mừng thì ngày 21/6, Bộ Công Thương đã tiếp tục điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước, là lần thứ 7 tăng giá liên tiếp từ ngày 21/4 đến nay. Theo đó, so với lần tăng đầu tiên ngày 11/1, giá xăng E5Ron92 được điều chỉnh thành 31.300 đồng, tăng 8.157 đồng/lít (khoảng 35,2%); giá xăng Ron95-III được điều chỉnh thành 32.870 đồng, tăng 9.005 đồng/lít (khoảng 38,8%); giá dầu Diesel được điều chỉnh thành 30.019 đồng, tăng 11.780 đồng/lít (khoảng 64,5%).
Chia sẻ với Tạp chí Du lịch, Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam (Travelogy Việt Nam) Vũ Văn Tuyên cho rằng hiện nay, tình hình giá xăng đang tăng cao, không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới. Giá xăng liên tục tăng khiến các doanh nghiệp du lịch điêu đứng. Sau 3 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp gần như mất khả năng thanh toán. Muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thì doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện, vì không chứng minh được thu nhập, không có tài sản thế chấp; những doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó đáp ứng yêu cầu về kế hoạch kinh doanh. Vì thiếu vốn, doanh nghiệp thiếu nguồn lực để cải tạo, xây dựng mới sản phẩm thu hút du khách. Mặt khác, viễn cảnh du lịch Quý III, IV/2022 và cả năm 2023 vẫn khó lường khiến đội ngũ nhân sự không mặn mà lắm đối với việc quay trở lại làm việc trong ngành Du lịch; còn đội ngũ nhân viên mới thì vẫn đang loay hoay chưa biết làm thế nào giữa sản phẩm cũ và sản phẩm sau đại dịch. “Giá xăng dầu tăng khiến vật giá đều tăng, doanh nghiệp càng khó tuyển được nhân sự với mức lương như trước dịch. Giá xăng tăng kéo theo giá vé máy bay tăng, khiến khách nội địa đặt tour sẽ hạn chế, khách quốc tế thì chưa vào. Những khó khăn về tài chính, về con người, các doanh nghiệp vẫn chưa tìm được cách giải quyết” – ông Vũ Văn Tuyên nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Travelshop Việt Nam (Travelshop Việt Nam) Nguyễn Chí Thanh nhận định, giá xăng tăng sẽ ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận chuyển sẽ tăng giá, kéo theo giá tour tăng, làm giảm sức cạnh tranh trong cùng khu vực. Những doanh nghiệp nước ngoài đưa khách đến Việt Nam nếu thấy giá tour ở Việt Nam cao hơn trong khu vực thì có thể họ sẽ có lựa chọn khác, đưa khách đi nơi khác. Ông Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: “Khó khăn bây giờ là làm sao để duy trì hoạt động của doanh nghiệp, đợi được đến lúc đón được lượng khách đủ để bù chi phí. Hầu hết doanh nghiệp hoạt động đón khách hiện tại chưa có lãi; thời gian đầu phải đầu tư nhiều thứ, chi phí đầu vào cao, trong khi đó khách không có nhiều, đón khách chưa đủ. Khó khăn nhất bây giờ là vốn, làm sao để có vốn duy trì, phải suy nghĩ về vấn đề đầu tư công nghệ. Trong khi đó, tiếp cận về vốn vay thì các doanh nghiệp đều gặp khó khăn; không có vốn thì rất khó, vốn ở tự thân doanh nghiệp bỏ ra thì chỉ có mức độ, không phát triển được quy mô”.
Khó khăn không chỉ từ vấn đề vốn, nhân lực, sản phẩm, sự cạnh tranh, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn ở sự kết hợp. Phó Giám đốc Vietmoon Travel Ngô Văn Long chia sẻ, khi doanh nghiệp triển khai tour tàu hỏa Quảng Bình, tàu di chuyển đến Quảng Bình chậm hơn 3 giờ, thay vì đón khách ăn sáng thì phải chuẩn bị bữa trưa cho khách khiến chương trình bị đảo lộn, thậm chí doanh nghiệp phải cắt bớt chương trình, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. “Vietmoon Travel khi triển khai tour Cát Bà, phà Gót cũng ùn tắc đến 3 giờ, khách phải ngồi rất lâu ở bến phà vì không có xe đón. Nếu cho khách đi cáp treo thì giá sẽ đội lên, doanh nghiệp không có lãi, giá tour cũng cao, không thu hút được du khách. Du khách có phàn nàn thì doanh cũng chỉ biết xin lỗi...” – ông Ngô Văn Long cho biết. Trong khi đó bà Đoàn Quỳnh Chi – đại diện Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ du lịch Luxury (Luxury Tour) cho rằng sau thời gian dịch, các mối liên kết xe vận chuyển, vé máy bay, hướng dẫn viên... đều gần như trở về mốc ban đầu. Trongđại dịch, nhân sự du lịch thì tìm kiếm công việc mới để ổn định cuộc sống; xe không hoạt động nên xuống cấp; các nhà xe cũng gặp biến động trong thời gian dịch nên hiện tại phương tiện vận chuyển du lịch rất thiếu... “Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến giá vận chuyển; giá xe tăng nhiều, có nhà xe báo tăng đến 40% so với trước khi mở cửa, giá vé máy bay cũng tăng. Giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, các dịch vụ nhà hàng cũng tăng giá, trong khi du khách thì không sẵn sàng trả giá cao. Du lịch vẫn trong quá trình hồi phục mà giá cao quá cũng sẽ ảnh hưởng quá trình hoạt động của doanh nghiệp, làm chậm quá trình hồi phục” - Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết.
Cú đấm bồi
Trong khi ngành Du lịch đang phục hồi một cách gian nan bởi sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó có nỗ lực kích cầu của các doanh nghiệp, thì lòng tin của du khách một lần nữa bị lung lay bởi những cú lừa ngoạn mục. Từ giữa tháng 4/2022, các trang truyền thông mạng bắt đầu cảnh báo về những hình thức lừa đảo combo du lịch; cao điểm nhất là vào những ngày đầu tháng 6/2022. Tạp chí điện tử Du lịch ngày 9/6 đã có bài viết Đường dây lừa đảo vé máy bay giá rẻ gây rúng động, trong đó đăng tải phản ảnh của du khách qua các trang mạng xã hội về việc bị một số đối tượng cung cấp những combo vé máy bay, combo du lịch giá rẻ lừa đảo. Lời dẫn bài viết có đoạn “...Đánh vào tâm lý ham rẻ, đường dây này đã hình thành nhiều “đại lý” cấp dưới và hoạt động với thủ đoạn cực kỳ tinh vi, đưa nhiều người, trong đó có cả doanh nghiệp lớn vào “bẫy”…”
Về điều này, Tổng Giám đốc Travelshop Việt Nam Nguyễn Chí Thanh nhận định, combo giá rẻ là một trào lưu, tuy nhiên bị lạm dụng. Combo du lịch về bản chất là phương pháp để gia tăng tiêu thụ sản phẩm; du khách sẽ mua gói dịch vụ “n trong 1” với giá ưu đãi hơn mua từng gói. Do đó, xuất hiện từ “combo”. “Bản chất của điều đó là để kích thích tiêu dùng. Nhưng một số cá nhân lợi dụng để đánh vào lòng tin khách hàng, đưa ra combo mà không có sự kiểm soát; khách hàng nhiều người không biết, cứ thấy rẻ là mua. Nhiều khi combo đó không có giá trị hoặc những cá nhân đó chỉ chiếm dụng vốn, khi không thực hiện được thì trả lại tiền cho khách hàng. Cũng có cá nhân sử dụng nguồn tiền của khách hàng vào những mục đích khác, lĩnh vực khác mà chưa kịp thu hồi hoặc thua lỗ; hoặc cũng có thể thực hiện gói dịch vụ cho khách hàng nhưng không đảm bảo chất lượng dịch vụ như đã quảng cáo. Những cá nhân, doanh nghiệp đó khi chưa ký hợp đồng được với hãng hàng không, khách sạn mà đã đưa ra combo; đến khi có khách mua, đặt combo, họ quay trở lại thanh toán tiền thì giá đã tăng khiến gói combo không được thực hiện hoặc không đảm bảo thực hiện chính xác các dịch vụ” – ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Chí Thanh chia sẻ thêm, “những vấn đề như vậy cần phải được kiểm soát. Khách hàng là nạn nhân. Ai cũng vậy, khi đi mua hàng nhưng thiếu thông tin nên mua phải những sản phẩm không được đảm bảo.. Cũng có cá nhân, doanh nghiệp ký hợp đồng với hãng hàng không, với nhà hàng nhưng bị hàng không và nhà hàng phá hợp đồng thì cũng rơi vào tình trạng khó khăn; những cá nhân, doanh nghiệp đó phải hoàn tiền cho khách hàng. Có những cá nhân, lúc triển khai dịch vụ thì không đủ năng lực, hết vốn trả khách hàng, đã dùng tiền vào việc khác, là rất nguy hiểm”.
Giám đốc Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng, có rất nhiều nhân viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch tự động làm ở nhà trong thời gian nghỉ do ảnh hưởng dịch COVID-19, họ tự lấy tên cá nhân, hay tên doanh nghiệp cũ họ từng công tác mà doanh nghiệp không biết để hoạt động trái pháp luật. Việc một số doanh nghiệp, cá nhân tung ra các gói combo, tác tour du lịch giá rẻ lừa đảo du khách sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến ngành Du lịch, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Việt Nam nói chung, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính, tác động đến niềm tin của du khách, kéo theo tác động đến hoạt động hồi phục của toàn ngành. Du lịch là những sản phẩm vô hình, khách hàng sẽ không sờ được, không nhìn được; sẽ không hình dung được ngay từ ban đầu, kể cả khi du khách đã đặt và thanh toán tiền dịch vụ. Như vậy, đối với những doanh nghiệp du lịch có sản phẩm du lịch hấp dẫn, giá cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều; khách hàng sẽ đắn đo hơn; khi đã mất niềm tin thì việc đi du lịch sẽ bị hạn chế.
Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, xu hướng phổ biến hiện nay là du khách thường đi du lịch tự túc; không đăng ký các chương trình du lịch trọn gói mà mua các combo du lịch gồm phòng khách sạn hoặc phòng khách sạn kết hợp vé máy bay. Đa số là sản phẩm thật, nhưng vẫn có mốt số cá nhân lợi dụng sự cả tin của du khách để đưa ra combo giá rẻ lừa đảo du khách. Hiện tượng này đang diễn ra, ngày càng phổ biến và tinh vi; không ít du khách khi đến sân bay, khách sạn mới biết bị lừa... Để thu xếp được chuyến du lịch, khách phải xin nghỉ phép, phải bố trí thời gian, mất vé máy bay... khá tốn kém. Nên những du khách bị lừa khá bức xúc, thậm chí có phản ứng tiêu cực trên mạng xã hội, làm nhiều người cùng hoang mang. Điều này tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục du lịch, ảnh hưởng rất nhiều đến những doanh nghiệp du lịch làm ăn chân chính. “Nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị du khách nhìn với ánh mắt nghi ngờ, thị trường du lịch bị xáo trộn. Chúng tôi phải mất nhiều thời gian hơn để giải thích, xuất trình các giấy tờ chứng minh hoạt động với du khách mới có thể giao dịch với khách hàng. Đây là hệ lụy mà các đối tượng lừa đảo mang đến cho thị trường” – ông Nguyễn Tiến Đạt bức xúc.
Cần được kiểm soát
Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Travelshop Việt Nam Nguyễn Chí Thanh cho rằng những vấn đề trên phải được kiểm soát. “Thu nhập của nhiều người là cố định nhưng phải chi thêm nhiều thứ phát sinh từ giá xăng tăng. Tôi cho rằng nhà nước đã có sự tính toán, cân nhắc xem có trợ giá hay không. Đây là bài toán liên quan đến chi phí xã hội mang tính vĩ mô của nhà nước. Doanh nghiệp chỉ có thể trợ giá một vài tour đầu, những tour sau phải có lãi mới làm được.” - Nguyễn Chí Thanh nói.
Những doanh nghiệp khi được hỏi về vấn đề lừa đảo combo du lịch giá rẻ đều cho rằng vấn đề này đã có từ lâu và đưa ra lời khuyên làm du khách thông minh. Đại diện Luxury Tour Đoàn Quỳnh Chi cho rằng, nhiều cấp đại lý vé máy bay ra đời, nên khách du lịch, các công ty du lịch đừng ham rẻ. Giá vé máy bay thì có quy định của hãng rồi, các đại lý chỉ thêm phần phí dịch vụ để phục vụ cho khách; tùy theo yêu cầu dịch vụ của khách mà các đại lý cộng thêm phí dịch vụ thế nào cho đủ chi phí. Khách hàng nên đặt vé, lấy vé ở những nơi tin tưởng là tốt nhất, ví dụ như đại lý chính thức của các hãng hàng không. “Các đại lý chính thức có hợp đồng với hãng, nên hãng có thể quản lý được, nhưng các đại lý cấp 2, cấp 3 rất nhiều thì khó quản lý. Không nên ham rẻ đặt trên mạng. Lừa đảo không chỉ vé máy bay, các lĩnh vực khác đều có, từ ngân hàng đến cảnh sát... Điều quan trọng là mình phải tỉnh táo, biết lựa chọn” – bà Đoàn Quỳnh Chi chia sẻ.
Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng sau khi mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3, các doanh nghiệp du lịch đều đưa ra chiến lược, dòng sản phẩm riêng để thu hút khách. Với công nghệ 4.0, khách hàng có thể tự kiểm tra lại tất cả các dịch vụ. Cũng cần sự hợp tác của cơ quan quản lý, đặc biệt là các Sở quản lý du lịch; họ sẽ kiểm tra lại các hoạt động của doanh nghiệp du lịch, để làm sao dọn sạch những yếu tố không trung thực, những doanh nghiệp, đại lý hoạt động không đúng với pháp luật. Khách du lịch cũng phải trở thành khách du lịch thông minh, phải biết kiểm tra đa chiều. Khách du lịch không nên tự chuyển số tiền lớn cho đại lý du lịch mà mình không nắm rõ các yếu tố về mặt pháp lý, ví dụ như số điện thoại, giấy phép kinh doanh, hoặc kiểm tra trên hệ thống của TCDL, các Sở quản lý du lịch. Có rất nhiều khách hàng thanh toán tiền tour bằng tài khoản cá nhân cho đại lý hoặc cá nhân; nhưng dù là tài khoản cá nhân hay tài khoản của doanh nghiệp thì khách hàng nên làm hợp đồng; hợp đồng đó là những vi bằng, sau này khi có tranh chấp pháp lý xảy ra thì du khách có thể giải quyết được. Ngay cả giữa đại lý với đại lý, đại lý với doanh nghiệp cũng nên làm hợp đồng, dù là qua email, để có cơ sở xử lý về sau khi có tranh chấp pháp lý” – ông Vũ Văn Tuyên nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Tuyên chia sẻ: “Trước khi khách du lịch đặt tour, cần tham khảo thông tin qua nhiều kênh để hiểu rõ hơn sản phẩm. Ví dụ, tại sao giá combo chỉ 2 triệu đi Nha Trang, trong khi giá tour là 6 triệu. Du khách phải tự đặt vấn đề và trả lời; có 3 chi phí cứng, là vé máy bay, khách sạn, vận chuyển - ăn uống mà tour Nha Trang phải thanh toán. Vậy làm sao có giá quá rẻ, đến 2 triệu như thế? Hãng hàng không có chào vé máy bay giá rẻ không, khách sạn có chào giá hấp dẫn không, chi phí vận chuyển có thấp không, nhất là trong thời điểm giá xăng tăng nhanh hiện nay?” Ông Vũ Văn Tuyên cũng mong muốn các cấp ngành cần quan tâm, giải quyết triệt để tình trạng trên để du lịch được phục hồi, phát triển một cách lành mạnh.
Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt càng bức xúc, đề nghị có những giải pháp mạnh tay để xử lý. “Đối với những đối tượng lừa đảo, cần sự tham gia vào cuộc của lực lượng Thanh tra Du lịch, Công an. Số tiền các đối tượng lừa đảo có khi lên đến vài chục triệu, lại lừa nhiều người, nên cần phải xử lý hình sự. Như vậy các đối tượng lừa đảo mới bớt lộng hành, mới mang lại lòng tin cho du khách và những doanh nghiệp làm ăn chân chính” - ông Nguyễn Tiến Đạt nói.
Phước Hà