Đó là một trong những thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) ngày 7.11. Tại sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) này, Thủ tướng cho biết Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mình để tiếp tục là “đối tác kinh doanh tin cậy”, đầy triển vọng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và của các quốc gia. “Việt Nam đã thể hiện sự năng động thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu. Chúng tôi đã nỗ lực cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, kinh doanh”, Thủ tướng phát biểu.
Đến nay Việt Nam đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động với tổng vốn đăng ký trên 310 tỉ USD, tương đương 155% GDP. Trong đó, riêng vốn đầu tư FDI từ các nền kinh tế APEC đạt gần 250 tỉ USD, chiếm xấp xỉ 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 thập niên qua. “Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh 3 định hướng lớn của Việt Nam với hội nghị. Thứ nhất là tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá. Thứ hai là phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Thứ ba là thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế). Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng VBS sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam hướng tới chủ đề APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định, gắn kết, phát triển năng động và thịnh vượng.
Tín hiệu lạc quan
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các phòng thương mại và các tập đoàn quốc tế hàng đầu đều đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế cải cách và hội nhập thành công trong 3 thập niên qua. Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình sử dụng tương đối hiệu quả các nguồn vốn phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Theo Giám đốc Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Philipp Roesler, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã tăng từ vị trí 60/138 năm 2016 lên vị trí 55/137 nền kinh tế, trong đó có nhiều chỉ số trụ cột cải thiện như mức độ sẵn sàng công nghệ, thể chế, quy mô thị trường... Nhiều lãnh đạo các phòng thương mại và tập đoàn quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về cải cách kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời cho rằng Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, có nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư do có nhiều lợi thế về thị trường, nguồn nhân lực dồi dào, thể chế và cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện, hội nhập ngày càng sâu rộng vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), tuần lễ này là cú hích quan trọng giới thiệu Việt Nam với thế giới theo cách của nhà kinh doanh, vừa quảng bá mình vừa là cơ hội vàng để tiếp xúc các nhà đầu tư, đối tác thương mại. “Thử tưởng tượng ta phải bay đến các nước xa xôi bàn chuyện hợp tác thì nay khách kéo đến đầy nhà. Đương nhiên là biết bao nhiêu cơ hội mở ra. Tôi cũng chú ý tới một chiến lược mới sẽ được đề cập và triển khai dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (tức là liên quan nhiều đến doanh nghiệp Việt Nam), đó là chiến lược phát triển xanh, bền vững và đổi mới sáng tạo. Lời giải cho bài toán này rất hứa hẹn. Thí dụ, nên chọn xanh, đổi mới sáng tạo và tính đến phương hướng phát triển bền vững ngay từ đầu”, bà Hạnh trao đổi riêng với Thanh Niên bên lề hội nghị.
Rất thực tế, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sài Gòn, chia sẻ: “Chúng tôi là dân kinh doanh nên đương nhiên kỳ vọng nhất là ký được nhiều hợp đồng. APEC lần này cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp kết nối. Hơn 1.000 doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước và gần con số đó doanh nghiệp nước ngoài đến đây, chắc chắn sau hội nghị này nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ kết nối được với nhau”. Đồng ý tưởng, ông Indronil Sengupta, Tổng giám đốc Công ty Tata Sons tại Việt Nam, cho hay ngoài lý do tìm hiểu thêm về các chính sách, công ty ông còn muốn mở rộng thêm mạng lưới quan hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài Việt Nam khi đến với hội nghị này. "Công ty chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam 10 năm và nhận thấy rằng, cũng như ở Ấn Độ, việc phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở Việt Nam Chính phủ thật sự biết lắng nghe và đang tìm cách khắc phục. Chẳng hạn, có hai cuộc gặp thường niên được tổ chức để những nhà đầu tư chúng tôi có cơ hội bày tỏ những vướng mắc gặp phải. Điều đó sẽ giúp nhà đầu tư vượt qua những chướng ngại", ông nói.
Các nền kinh tế APEC đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị tổng kết các quan chức cấp cao APEC (CSOM) chiều 7.11, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch SOM APEC 2017, cho biết hội nghị đã thành công tốt đẹp và chốt lại toàn bộ công tác chuẩn bị cuối cùng về nội dung để trình lên Hội nghị liên bộ Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25. Cụ thể, hội nghị thông qua báo cáo tổng kết hoạt động của 4 ủy ban APEC về thương mại và đầu tư; kinh tế; hợp tác kinh tế - kỹ thuật và Ủy ban Ngân sách. Kế đến, các quan chức đã thảo luận về nỗ lực duy trì thương mại mở và tự do và thuận lợi hóa đầu tư; việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương cũng được nhiều đại biểu đề cập.
Hội nghị cũng thông qua Kế hoạch hành động chung của Ủy ban Kinh tế với tiến trình các quan chức cao cấp tài chính (SFOM); nhất trí duy trì hoạt động lâu dài của Cơ quan Hỗ trợ chính sách của APEC. “Các nền kinh tế thành viên đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, tiếp tục nâng cao năng lực cho các thành viên và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ tại châu Á - Thái Bình Dương”, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết.
Cũng trong chiều qua, Ban Thư ký quốc tế APEC tổ chức họp báo về các vấn đề trọng tâm sẽ được lãnh đạo các nền kinh tế thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC. Ông Alan Bollard, Tổng giám đốc điều hành Ban Thư ký quốc tế APEC, khẳng định trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với một số thách thức về kinh tế, thương mại, xã hội, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung tại Đà Nẵng để cùng thảo luận, đưa ra các sáng kiến để đưa các nền kinh tế thành viên APEC đi tới. Ông Bollard cho biết các nhà lãnh đạo APEC sẽ tập trung vào một số trọng tâm như phát triển bền vững và bao trùm, phát triển nhân lực, nền kinh tế số...
|
Nguồn: Thanhnien.vn