Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đã và đang trở thành một công cụ vô cùng hiệu quả để thu hút, thuyết phục du khách đến điểm du lịch, là yếu tố thiết yếu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Chính vì vậy, quảng bá du lịch đang trở thành vấn đề nóng bỏng trong việc phát triển du lịch hiện nay. Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho biết, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, du lịch Việt Nam có bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 10 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 401.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, ngành du lịch sẽ đón, phục vụ khoảng 17,5 đến 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng xác định rõ, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ðể du lịch Việt Nam có được mức tăng trưởng khá trong thời gian qua, có phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, có thể thấy rõ trong những năm qua, công tác quảng bá chưa đạt được kết quả như mong đợi bởi nhiều lý do, như thiếu kinh phí, chưa có được sự phối hợp tốt với các ngành, các địa phương, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, chưa làm nổi bật được thương hiệu du lịch Việt Nam…
Theo ông Phùng Quang Thắng Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, công tác xúc tiến quảng bá điểm đến là tuyến đầu để thu hút khách du lịch đến với địa phương. Trong mỗi thời kỳ, công tác xúc tiến du lịch có sự phát triển thăng trầm khác nhau, quy mô khác nhau nhưng trong những năm gần đây đã có sự phát triển tương đối nhanh. Về tổng thể, công tác xúc tiến quảng bá du lịch của Việt Nam chưa được triển khai thực hiện trong chiến lược dài hạn. Qua nhiều năm phát triển, hình ảnh nhận diện của du lịch Việt Nam chưa được rõ ràng, việc triển khai xúc tiến quảng bá song song giữa sản phẩm du lịch và chương trình xúc tiến quảng bá để thu hút khách du lịch còn yếu. Vì vậy, bức tranh toàn cảnh về xúc tiến du lịch Việt Nam phải có những điểm cần lưu tâm để làm thế nào tăng cường nhiều khách hơn nữa đến Việt Nam.
Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và phê duyệt từ cuối năm 2018, đại diện Tổng cục Du lịch, Vụ trưởng Vụ Thị trường Đinh Ngọc Đức chia sẻ, được sự quan tâm của Đảng, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt nên đã phê duyệt một đề án để hình thành Quỹ với ngân sách khoảng 300 tỷ. Sau khi thành lập, Quỹ có các nguồn thu khác nhau như: nguồn thu từ visa (10% từ tổng thu visa); 5% nguồn thu từ các điểm đến và đặc biệt là khuyến khích việc xã hội hóa. Hy vọng, Quỹ sẽ sớm đi vào hoạt động để thực hiện công việc xúc tiến, quảng bá cho ngành du lịch. Tuy nhiên, để Quỹ hoạt động bền vững và phát triển thì vai trò người “nhạc trưởng” là Tổng cục Du lịch rất quan trọng.
Được biết, Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia (TAB) đã thành lập câu lạc bộ nhằm đóng góp cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Hiện nay CLB đã thu hút được 9 nhà tài trợ, mỗi nhà tài trợ đóng góp 5 tỷ đồng trong thời hạn ba năm. Tuy nhiên, Hội đồng vẫn mong muốn thu hút thêm các nhà tài trợ để tăng sự đóng góp cho quỹ cùng với sự chung tay của ngành du lịch để phát triển hơn.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc trực tuyến về công tác visa hiện nay đã tạo thuận lợi cho du khách chưa và còn vướng mắc ở điểm nào, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường cho rằng, hiện tại, 24 nước đã được miễn thị thực và sẽ được mở rộng. Bên cạnh việc miễn thị thực, còn có dịch vụ e-visa (thị thực điện tử) để khách du lịch có thể chủ động xin thị thực nhập cảnh được nhanh chóng. Bên cạnh đó, chính sách lấy thị thực tại cửa khẩu bản chất khác với chế độ thị thực tại cửa khẩu của các nước khác. Khách phải gửi hồ sơ trước rồi mới được lấy thị thực tại cửa khẩu, còn ở các nước khác khách có thể làm trực tiếp visa tại cửa khẩu. Vấn đề này hiện đang được các Bộ, ngành tháo gỡ và cũng được Chính phủ rất quan tâm.
Cũng theo ông Đinh Ngọc Đức, việc tận dụng công nghệ 4.0 hỗ trợ quảng bá xúc tiến du lịch đã được Tổng cục Du lịch nắm bắt xu thế như kết hợp với TikTok (nền tảng video ngắn hàng đầu thế giới) nhằm lan tỏa du lịch Việt Nam qua mạng xã hội mới này. Trong 1 tháng phát động chương trình #HelloDanang đã có khoảng 12 nghìn người tham dự với gần 14.000 video. Trong tháng 8 này, Tổng cục Du lịch (TCDL) sẽ tiếp tục thực hiện ở Ninh Bình, và sau đó sẽ làm về chủ đề ẩm thực Việt Nam.
Trong 2 năm qua, TCDL đã làm việc cùng TAB để thực hiện chương trình triển khai e-marketing về du lịch, quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam. Đồng thời, xây dựng trang web mới vietnam.travel – trang web chuyên về xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến. Bên cạnh đó, những tài khoản mới trên các mạng xã hội đã được lập thêm với góc nhìn cũng như cách tiếp cận mới.
Kết lại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử nhận định, để quảng bá xúc tiến du lịch đạt hiệu quả cao, trước hết, cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ khó khăn cũng như phát triển mạnh hơn nữa những thế mạnh, đặc thù của ngành du lịch. Đồng thời, cần sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước về ngân sách trong việc quảng bá và xúc tiến du lịch, để làm sao tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có và cũng cần sự cởi mở về chính sách trong việc cấp thị thực cho khách du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Thủ tướng Chính phủ.
PV