Trọng tâm của Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN lần thứ 56 xem xét báo cáo của 04 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN, bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN; Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN; Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN; Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN. Đồng thời, Hội nghị còn xem xét và thông qua, hoàn thiện một số văn bản: Báo cáo của 04 Ủy ban; hướng dẫn về việc thành lập Cơ chế du lịch được thể chế hóa với các Đối tác bên ngoài của ASEAN; các đề xuất dự án ASEAN cho năm 2022.
Trong đó, chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã được xây dựng với ba trụ cột chiến lược chính, bao gồm: (1) Xây dựng câu chuyện về Thương hiệu du lịch Đông Nam Á hấp dẫn hơn: Xác định mục tiêu của thương hiệu, đồng bộ hóa thương hiệu trên các kênh quảng bá chung, xây dựng các video quảng bá…; (2) Tập trung vào một nhóm các thị trường và đối tượng phù hợp gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Úc; (3) Thực hiện hiệu quả hơn các hoạt động xúc tiến quảng bá: Xây dựng chiến lược đẩy mạnh quảng bá qua mạng xã hội, tập trung vào quảng bá trên Facebook, Instagram và ngừng sử dụng nền tảng Twitter…
Chiến lược Marketing giai đoạn mới được điều chỉnh dựa trên các xu hướng dự báo sau COVID-19 và căn cứ vào khả năng tài chính của ASEAN. Chiến lược đã được thảo luận qua các cấp Nhóm Công tác, Ủy ban Cạnh tranh Du lịch và Cơ quan Du lịch quốc gia.
Trao đổi tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu thông tin: “Hiện nay, Việt Nam là quốc gia chủ trì cho dự án "Sản phẩm du lịch mới - Du lịch lễ hội". Chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức một hội thảo khu vực vào năm 2023 với chủ đề “Du lịch lễ hội”, sự kiện sẽ bao gồm hội thảo cùng chuyến tham quan thực tế một lễ hội tại Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi hoan nghênh các đề xuất từ các quốc gia thành viên ASEAN khác để tìm hiểu tiềm năng hợp tác cho dự án này”.
Về phát triển du lịch toàn diện và bền vững ASEAN, hiện Việt Nam (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch) đang chủ trì dự án “Xây dựng và triển khai Chiến lược khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào phát triển du lịch”. Chiến lược được các Bộ trưởng ASEAN thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 22 nhân dịp ATF 2019 (Hạ Long). Theo đó, kế hoạch triển khai chiến lược tại Việt Nam gồm: Tổ chức Hội thảo “Sáng kiến tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong phát triển du lịch cộng đồng”; tăng cường năng lực cộng đồng thông qua các khóa đào tạo, tập huấn và nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia hoạt động du lịch cho cộng đồng tại Việt Nam; xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề sản xuất hàng lưu niệm du lịch ASEAN.
Theo Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu, Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo “Sáng kiến tăng cường sự tham gia của khối tư nhân trong phát triển du lịch cộng đồng” vào tháng 10/2022, do đó Phó Tổng cục trưởng hy vọng hội thảo sẽ có sự tham gia trực tiếp từ tất cả các quốc gia thành viên ASEAN nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự tham gia và lợi ích của cộng đồng và khu vực tư nhân trong việc phát triển du lịch.
Về hợp tác với các tổ chức bên ngoài, trong năm 2022, Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA) phối hợp với Việt Nam triển khai 02 dự án về “Khả năng phục hồi điểm đến du lịch” tại tỉnh Quảng Nam và “Phục hồi Du lịch Voi” tại tỉnh Đắk Lắk.
Đánh giá cao PATA vì đã thực hiện thành công hai dự án trên tại Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng đây chắc chắn là những sáng kiến hiệu quả để hỗ trợ phục hồi du lịch sau COVID-19 và Việt Nam sẵn sàng tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Ngoài ra, về hợp tác với tổ chức quốc tế, những năm qua, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã có những hỗ trợ kỹ thuật thiết thực đối với du lịch Việt Nam (trong quy hoạch, xúc tiến quảng bá và tổ chức các sự kiện quốc tế tại Việt Nam). Trong năm 2022, Du lịch Việt Nam tiếp tục tham gia các Hội thảo chuyên ngành trực tuyến của UNWTO; phối hợp với UNWTO văn phòng Nara (Nhật Bản) chuẩn bị triển khai các hoạt động hỗ trợ Quản trị điểm đến bền vững (xây dựng Hướng dẫn Quản trị điểm đến bền vững trong năm 2022, tổ chức hội thảo đào tạo dự kiến tại Mũi Né và Vũng Tàu trong tháng 2/2023).
Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số liệu khách đến ASEAN giảm mạnh. Năm 2020, ASEAN chỉ đón gần 28 triệu lượt khách, giảm 80,7% so với năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 43,1 tỷ USD, giảm 74,8% so với năm 2019. Năm 2021, ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, số khách quốc tế đến và tổng thu từ du lịch giảm lần lượt 90,03% và 94,33% so với năm 2020.
|
Thảo Anh