Kết nối du lịch vùng Bắc Trung bộ với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Với chủ đề “Hội tụ tinh hoa - Nâng tầm điểm đến”, Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Tổng cục Du lịch (TCDL); các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thông qua Diễn đàn, nhằm kết nối du lịch giữa vùng du lịch Bắc Trung Bộ với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương. Diễn đàn cũng nhằm tạo cơ sở tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần kích cầu thị trường du lịch; từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Phát biểu Khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, TP. Hồ Chí Minh luôn chủ động liên kết du lịch với các vùng từ Bắc vào Nam trong thời gian qua và kỳ vọng Diễn đàn sẽ tăng doanh thu, định vị du lịch giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như vùng Bắc Trung Bộ mở rộng trong thời gian tới. Bà Phan Thị Thắng bày tỏ tin tưởng Diễn đàn sẽ tạo sức bật cho các địa phương và du lịch Việt Nam trên thương trường quốc tế. Bên cạnh đó, bá Phan Thị Thắng đề nghị các địa phương sau khi ký kết hợp tác cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch nhằm gia tăng lượng khách, doanh thu du lịch; chủ động kết nối để doanh nghiệp tạo ra các chuỗi sản phẩm chất lượng; Sở VHTTDL, Sở Du lịch các địa phương cần chủ động tham mưu cơ chế để việc liên kết nhịp nhàng, hiệu quả; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ từng địa phương. Bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh: “TP. Hồ Chí Minh chào đón các tỉnh thành tham gia hội chợ du lịch quốc tế của TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 9 và sẽ nỗ lực tạo điều kiện để các tỉnh thành kết nối du lịch. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh cam kết phối hợp với các địa phương để đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch”.
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Diễn đàn là hoạt động ý nghĩa đối với sự phục hồi du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ sau dịch. Ông Nguyễn Đức Trung cho rằng, với các tỉnh Bắc Trung Bộ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời cũng là cầu nối để giao lưu văn hoá, kết nối với các địa phương. Do đó các liên kết vùng vô cùng quan trọng để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Trung đồng thời giới thệu tiềm năng về tự nhiên của Nghệ An với núi non hùng vĩ, đường bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp, có khu dữ trữ sinh quyển quốc gia, hang động hùng vĩ đáp ứng đa dạng nhu cầu du lịch của người dân. Nghệ An cũng là trung tâm văn hoá với truyền thống đấu tranh cách mạng phù hợp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa. Ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ: “Những năm qua, Nghệ An đã có nhiều hỗ trợ với doanh nghiệp để phát triển và mở rộng các hoạt động du lịch; từng bước để định hình du lịch Nghệ An trong hoạt động du lịch của vùng và cả nước. Thông qua diễn đàn, Nghệ An khao khát có thể tìm hướng đi mới cho du lịch vùng, mở ra cơ hội nâng cao năng lực phát triển các sản phẩm du lịch, tiến tới các mối quan hệ bền chặt, đánh dấu sự hợp tác và thúc đẩy du lịch”.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch bền vững và kích cầu du lịch nội địa giữa TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Bắc Trung Bộ. Theo Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) Martin Koerner, năm 2022, du lịch Việt Nam đã tăng trưởng 124% so với năm 2020, là dấu hiệu tốt cho thấy du lịch đang đi đúng hướng mặc dù còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Martin Koerner cho rằng, Việt Nam hiện chưa có dòng đầu tư du lịch mạnh mẽ từ châu Âu và đưa ra 3 đề xuất để nâng tầm du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch, thu hút đầu tư du lịch nhiều hơn: quảng bá nhiều hơn hình ảnh điểm đến; thích ứng và thay đổi theo hành vi du lịch của khách hàng, kết hợp chặt chẽ với các công ty điều hành, đại lý du lịch để phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng tiêu chuẩn về thương hiệu, cơ sở hạ tầng tốt hơn, có đội ngũ hướng dẫn du lịch được đào tạo chuyên nghiệp để thu hút khách du lịch.
Phó Tổng giám đốc điều hành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) Trương Đức Hùng nhận định vùng Bắc Trung Bộ mở rộng có vị trí giao thông thuận lợi, tập trung nhiều khu du lịch, hình thành nhiều tài nguyên, kinh doanh đa dạng. Đó đó, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết, có cơ chế để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ nhằm tạo ra những gói sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, biển... hấp dẫn. Các vùng cũng cần có chính sách đầu tư hạ tầng, khu vui chơi, giải trí, cơ sở dịch vụ... cùng nhiều hình thức du lịch khác. “Cần tổ chức đón các đoàn khảo sát trong nước lẫn quốc tế tới khảo sát các địa điểm du lịch tại vùng Bắc Trung Bộ mở rộng; đẩy mạnh quảng bá du lịch bằng công nghệ như trên website, YouTube... Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo cho các nhân viên làm trong ngành du lịch; Saigon Tourist cam kết đồng hành cùng các vùng phát triển du lịch” – ông Trương Đức Hùng cho biết.
Phó Giám đốc Ban Sản phẩm và Dịch vụ Vietravel Tạ Thị Tú Uyên nhận định, liên kết du lịch vùng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm cũng như hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nâng tầm dịch vụ, chất lượng nhân lực, biến khó khăn thành lợi thế. Bà Tạ Thị Tú Uyên cũng chia sẻ định hướng sản phẩm của Vietravel sau COVID-19 là hướng đến nhu cầu của khách hàng về trải nghiệm văn hóa, di sản, tắm biển, nghỉ dưỡng, tín ngưỡng, sức khỏe chữa lành, cắm trại, mạo hiểm... Trên cơ sở đó, Vietravel phát triển sản phẩm mới với 3 hành trình cơ bản: Bình yên chốn Thanh - Nghệ - Tĩnh; Qua miền di sản Bình - Trị - Thiên; Trọn vẹn hành trình Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình - Quảng Trị - Nghệ An - Thanh Hóa. Bên cạnh đó, bà Tạ Thị Tú Uyên cũng đề xuất các đơn vị quản lý xây dựng, nâng cấp các tuyến cao tốc, hàng không, quy hoạch tuyến đường ven biển; đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt tập trung vào nhóm khu lưu trú 4 sao; chú trọng đào tạo nhân lực trực tiếp từ đơn vị cung ứng; các doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh cung cấp thông tin sản phẩm mới cho các công ty lữ hành; tổ chức thêm nhiều đoàn khảo sát trong thời gian tới.
Phó Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm Vietnam Airlines Nguyễn Minh Tâm cho biết, Vietnam Airlines đã mở 54 đường bay nội địa, bao gồm cả các điểm đến Bắc Trung Bộ. Trong 6 tháng đầu năm, tổng khách vận chuyển đến và đi các điểm đến khu vực Bắc Trung Bộ đều tăng: Vinh tăng 45%, Thanh Hóa tăng 65%, Đồng Hới tăng 80%... so với 2019. Vietnam Airlines cũng duy trì tần suất khai thác dày giữa Vinh với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khác; duy trì lượng vận chuyển khoảng 35.000 lượt khách giữa Thanh Hóa với các địa phương trên cả nước. Ông Nguyễn Minh Tâm khẳng định: “Việc duy trì tần suất khai thác chuyến bay giữa Đồng Hới, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng được Vietnam Airlines đặc biệt coi trọng. Để phát triển mạng lưới đường bay khu vực Bắc Trung Bộ và thúc đẩy phát triển du lịch vùng miền, Vietnam Airline đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình”.
Đại diện Vietnam Airlines đồng thời cho biết, trong nửa cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Vietnam Airlines sẽ tập trung quảng bá, mở rộng thêm các đường bay quốc tế để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Ngoài ra, hãng cũng khai thác tàu bay thế hệ mới đi các nước trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và tiếp tục, mở rộng phát triển các đường bay quốc tế tới các điểm du lịch biển. “Vietnam Airlines sẵn sàng đồng hành cùng Bộ VHTTDL, TCDL và các địa phương phát động, khai thác tiềm năng khách du lịch với các điểm đến khu vực Bắc Trung Bộ. Đồng thời đẩy mạnh phát triển mạng bay khu vực Bắc Trung Bộ thông qua sàn thương mại điện tử và xây dựng các sản phẩm chung với đối tác trong, ngoài lĩnh vực hàng không, du lịch để nâng cao trải nghiệm khách hàng” – ông Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh. Mặt khác, đại diện Vietnam Airlines cũng đề xuất kết nối doanh nghiệp các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ tới các sự kiện quốc tế để tăng cường hợp tác bạn hàng, xây dựng các chương trình bán và quảng bá du lịch Bắc Trung Bộ.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nhận định hoạt động du lịch đang hồi phục mạnh mẽ trên cả nước. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đón khoảng hơn 60,8 triệu lượt khách nội địa, 414.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch ước đạt 265.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho rằng mùa du lịch hè tại Việt Nam đang nóng, cần nắm bắt thời cơ để nhanh chóng phục hồi, tiến tới đạt mục tiêu năm 2022 đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách nội địa, tổng thu từ ngành du lịch ước đạt 400.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Ngành Du lịch xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này sẽ tập trung phát triển sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm hiện có phù hợp với yêu cầu của thị trường; triển khai các biện pháp kích cầu du lịch, tập trung nguồn lực vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Xây dựng liên kết, hợp tác với các địa phương trong cụm, vùng, giữa các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương, đối tác; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút đầu tư cho du lịch. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học và công nghệ trong du lịch”.
Từ các ý kiến tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng có tính thực tiễn, hiệu quả, góp phần giải quyết những vấn đề chung, đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích và cạnh tranh bình đẳng giữa các địa phương trong vùng. Thiết lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cấp quản lý để có những phương án chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch triển khai sát những định hướng phát triển chung của toàn vùng. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, di sản thế giới, văn hóa lịch sử tại vùng Bắc Trung Bộ; chú trọng phối hợp, tạo sức hút du khách đến vùng Bắc Trung Bộ. Mặt khác, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương nghiên cứu xây dựng hình ảnh chung; cùng TCDL tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch các địa phương trong vùng, quốc gia để hướng đến thị trường quốc tế. Tăng cường liên kết ứng dụng công nghệ giữa các địa phương trong vùng; áp dụng công nghệ năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các doanh nghiệp du lịch; ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm cũng như xúc tiến, quảng bá du lịch.
Về thu hút đầu tư, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch của vùng; có cơ chế cởi mở, thông thoáng, ưu đãi, khích lệ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch. Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trọng điểm; kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, làm thay đổi diện mạo, từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất du lịch cho toàn vùng. Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch để đảm bảo chất lượng sản phẩm của du lịch, cao năng lực cạnh tranh; phối hợp chặt chẽ trong hệ sinh thái du lịch, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các địa phương và doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch về: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch. Lễ ký kết khẳng định sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc đồng hành phát triển các hoạt động du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Trước đó, sáng ngày 1/7, các đại biểu, doanh nghiệp đã khảo sát sản phẩm du lịch Nghệ An và dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên - Nam Đàn.
Bá Phúc