Ninh Thuận phát huy tiềm năng, lợi thế phấn đấu trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, do tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực cố gắng, linh hoạt, sáng tạo, tích cực tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đạt được nhiều kết quả tích cực; nhất là hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có bước phục hồi và tăng trưởng khá.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án dịch vụ du lịch được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 29.686 tỷ đồng; trong đó có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.180 tỷ đồng; tạo ra nhiều diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững trong tương lai, trong đó có một số dự án du lịch tiêu biểu đầu tư vào Ninh Thuận như: Khu nghỉ dưỡng Amanoi, Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark; Tổ hợp khách sạn 5 sao SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang; Tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay, Nara Binh Tien Golf & Beach Resort,...
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục được phát triển; toàn tỉnh hiện có 203 cơ sở lưu trú du lịch, với 4.443 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm khoảng 50%.
Tuy nhiên, du lịch Ninh Thuận vẫn còn phát triển chậm so với các tỉnh trong khu vực; tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch vẫn còn hạn chế, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, đặc sắc; còn ít các dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút du khách lưu trú dài ngày. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Doanh nghiệp du lịch quy mô nhỏ, sự liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để hình thành các tour, tuyến du lịch liên vùng còn hạn chế. Cùng với đó công tác tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch chưa thực sự tương xứng, công tác chuyển đổi số còn chậm so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Đánh giá cao về tiềm năng của du lịch Ninh Thuận với vị trí địa lý thuận lợi cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, di tích lịch sử văn hóa mang đậm bản sắc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định, sau khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3, Ninh Thuận đã có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ về khách du lịch nội địa. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Ngoài những kết quả đã đạt được, du lịch Ninh Thuận còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, trong đó số lượng doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên còn khiêm tốn. Sản phẩm du lịch của tỉnh mới tập trung vào du lịch biển và nghỉ dưỡng, chính vì thế chưa tạo ra sự nổi bật khác biệt so với các địa phương lân cận đặc biệt là Khánh Hòa. Một số hoạt động du lịch bổ trợ mới chỉ khai thác ban đầu, chưa phải thế mạnh và chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Địa phương cũng đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tuy nhiên việc triển khai quy hoạch chưa theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ,...
Ninh Thuận đã nỗ lực trong việc xúc tiến quảng bá như tích cực tham gia sự kiện, hội chợ lớn, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá đây là hướng đi đúng của tỉnh, tuy nhiên trong thời gian tới muốn hướng đến thị trường quốc tế, Ninh Thuận cần tổ chức những sự kiện, hoạt động tại nước ngoài.
Để phục hồi và phát triển du lịch Ninh Thuận tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm phát triển Ninh Thuận trở thành một trong những trung tâm phát triển du lịch mới của khu vực Nam Trung Bộ, đồng thời xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến mới với nhiều trải nghiệm thú vị, phấn đấu trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp cao.
Trong đó với lĩnh vực du lịch: Hỗ trợ phần mềm quản lý lưu trú du lịch thuộc Dự án chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam; hỗ trợ phát triển làng nghề du lịch sinh thái tại “Làng nho Thái An” huyện Ninh Hải, làng nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ nghiệp và làng nghề Gốm Chăm Bàu Trúc thuộc huyện Ninh Phước; đề nghị bảo trợ thông tin tuyên truyền về Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023…
Đối với lĩnh vực di sản văn hóa: Hỗ trợ kinh phí để phục hồi, tái hiện di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Bẫy đá Pinăng Tắc và các di tích cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện lập quy hoạch đối với di tích Pô Klông Garai và tháp Hòa Lai gắn với phát triển du lịch đến năm 2030; hỗ trợ lập Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Bộ VHTTDL quan tâm, xem xét, đồng ý chủ trương cho tỉnh Ninh Thuận đăng cai tổ chức một số hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2023 tại Ninh Thuận, cụ thể như: Giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận - Bình Thuận; Giải Mô tô địa hình (trên cát) Ninh Thuận - Bình Thuận; Giải Thuyền buồm hữu nghị Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu; giải golf vô địch quốc gia tại Bình Thuận và Ninh Thuận; giải lướt ván diều quốc gia tại Ninh Thuận.
Ninh Thuận đã định hướng du lịch là thế mạnh và một trong những lĩnh vực quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, vì vậy Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng trong gian đoạn tới Ninh Thuận cần xây dựng kế hoạch khai thác nguồn tài nguyên hợp lý gắn với sản phẩm chất lượng cao, độc đáo, mới lạ đồng thời kết nối với các tỉnh lân cận. Có nguồn lực để tập trung đóng góp từ xã hội hóa nhằm triển khai xây dựng sản phẩm du lịch đặc biệt là phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP. Ngoài ra đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chất lượng ngày càng cao của du khách; đẩy mạnh liên kết trong khu vực, tận dụng tiềm năng của địa phương, liên kết với thị trường nguồn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cho rằng Ninh Thuận có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch đặc biệt là kinh tế biển, địa phương có thể kết hợp với du lịch núi vùng Tây Nguyên để tạo ra sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Văn hóa phi vật thể nổi trội của Ninh Thuận là văn hóa Chăm, cùng các sản phẩm như thổ cẩm, gốm bàu trúc, vì vậy tỉnh cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá giới thiệu nhiều hơn nữa về các sản phẩm đặc trưng này đến với du khách. Ngoài ra, lĩnh vực du lịch nông nghiệp cũng có những sản phẩm đặc thù nổi tiếng cần phát huy như nho, muối, lan hồ điệp,…
Thứ trưởng cũng đánh giá cao sự quyết tâm lớn của Ninh Thuận khi trung tâm về năng lượng tái tạo như năng lượng điện gió, năng lượng mặt trời hội tụ đủ điều kiện để phát triển. Trong đó về đề xuất, kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận với 2 lĩnh vực du lịch và di sản văn hóa, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã giao các đơn vị của Tổng cục Du lịch và Cục Di sản văn hóa làm đầu mối làm việc trực tiếp với tỉnh.
Thảo Anh