Trong tất cả lễ hội ở Huế, lễ hội làng là một trong những biểu hiện chân thật và chất phác nhất của hơi thở đồng quê lam lũ. Hội làng không phải ai cũng từng xem, song gần như ai lớn lên từ miền quê rơm rạ thì đều trải qua. Ở Thừa Thiên - Huế, với những đặc điểm riêng trải suốt hơn 700 năm tính từ mốc lịch sử năm 1306, khi nàng Huyền Trân Công Chúa "nước non ngàn dặm ra đi...", lễ hội đã thể hiện vùng đất này là nơi gặp gỡ của các luồng tư tưởng Ðông Tây kim cổ. Lễ hội dân gian truyền thống được duy trì, phát triển cũng từ những nguồn văn hóa ấy...
Trong ký ức trẻ thơ tôi, rộn ràng những buổi hội lễ làng Hương Cần, xứ Huế. Nơi ấy, có những đốm lửa của đêm họ Hồ ở làng Hương Cần làm trai đàn nơi bãi Phe Kiền ven sông Bồ cách đây gần 40 năm. Tôi nhớ nhất khoảnh khắc phóng sinh chim én và cá dưới ánh sáng hoa đăng. Trai làng lực lưỡng gánh ra sông những lồng chim, những thùng nước đựng đầy cá để thả. Những cánh chim bay vút lên trời tự do trong đêm tối, những con cá lớn lao mình xuống sông trong đêm hè quá đỗi nồng nàn. Không khí ấy, quang cảnh ấy, hơi nước ấm hòa mùi rong tươi ấy... thật khó quên. Và phảng phất trong không gian ấy, là huyền thoại xa xưa, một vị vua trẻ được báo mộng đi tìm ý trung nhân ngang qua bãi sông trước nhà thờ, vào một chiều họ Hồ cũng làm trai đàn như thế. Tất cả thôn nữ bên sông đều bỏ chạy, duy nhất một người con gái xinh nhất làng đứng lại. Vị vua trẻ không kìm lòng, xin được đưa nàng về dinh. Nàng chính là Hiếu Minh Hoàng Hậu Tống Hồ Thị Ðặng...
Rộn ràng nhất là lễ hội đua ghe trên khúc sông Bồ chảy qua cầu Hương Cần. Ngày xưa, Phe Kiền của làng Hương Cần có chiếc ghe ngang rất hay, đua đâu nhất đó, buổi sáng xuất quân thế nào chiều cũng đưa heo tam liên thắng và cờ nhất phá trở về. Hay đến mức làng có câu ca: "Ghe Kiền mũi đỏ lái vàng, đi mô nhất nấy cả làng đều khen"... Mỗi lần có đua, không chỉ đàn ông con trai mà cả đàn bà con gái cũng lội xuống sông múc nước tát vào các tay chầm la lớn "Dồn la dồn, la dồn; hè la hè, la hè"... Cổ vũ đến thế, trai làng bơi hăng là phải. Lại nhớ có năm tế đình phe, trai làng thả chiếc ghe mực vừa đan xong bơi thử. Hàng trăm người í ới gọi nhau ra bến đình xem ghe đua mới. Vì đông người quá, bến lại làm bằng tấm đoanh gác lên các cọc tre, thế là... sập, gần trăm người lóp ngóp dưới sông. Ấy thế mà chẳng ai hề hấn chi, bởi cả cái làng thấp trũng ấy, không ai là không biết bơi, ngay cả đứa con nít bốn tuổi ra sông là nhảy ùm xuống nước rồi. Nhưng đó là lần cả làng đều ướt mà ai cũng nhớ.
Huế có nhiều lễ hội nổi tiếng: Cầu Ngư ở Thuận An, hội làng Chuồn, hội vật làng Sình, lễ rước Hến, lễ hội điện Hòn Chén... Tôi may mắn được dự hầu hết các lễ hội này. Ai từng xem nghi lễ sống động "diễn trò bủa lưới", hẳn ngạc nhiên khi chứng kiến những ngư dân mộc mạc ngày thường bỗng trở thành diễn viên siêu đẳng lúc nào không hay. Họ tự trang điểm, tự may trang phục, tự mình biết phải làm gì khi diễn trò..., mà diễn rất tự nhiên, diễn từ trong đình ra đến ngoài đường (ruỗi bộ) cứ như không... Ở Huế, cứ vừa hết Tết lại nhớ câu: "Dù ai đi đó đi đây, ngày Mười hội vật nhớ quay về Sình". Quay về Sình ngày Mười tháng Giêng, đi qua mấy hàng bày bán mấy con thú nhỏ nhỏ xinh xinh xanh đỏ tím vàng, mầu rực rỡ của tuổi thơ xưa; đi qua nồi bánh xèo riu riu lửa khói ở chợ Mậu Tài trong tiết trời lành lạnh...; để rồi chen lấn, kiễng chân giữa hàng nghìn người, xem các đô vật đấu theo thể thức "lấm lưng trắng bụng". Lại khó có thể hình dung, anh nông dân chất phác, nay đã là một võ sĩ tay chân múa dẻo như diễn viên xiếc... Nhưng đông đảo và tưng bừng mầu sắc vào bậc nhất Thừa Thiên - Huế thì phải nói đến Lễ hội điện Hòn Chén. Nữ thần Thiên Y A Na được thờ đến nay có nguồn gốc Chăm-pa, dân gian thường gọi là Thánh Mẫu. Sự linh ứng của Thánh Mẫu được truyền tụng từ xưa đến nay, với muôn vàn huyền thoại ngày càng thêm sương khói. Thế kỷ 16, Dương Văn An trong "Ô châu cận lục" đã cho biết: "Ðền Thiên Y A Na ở xã Khuất Phố, huyện Kim Trà, tục truyền thần là đàn bà, cũng có linh ứng". Vua Ðồng Khánh là người rất tin tưởng vào sự linh ứng của Thánh Mẫu điện Hòn Chén. Tương truyền, Thánh Mẫu cho biết ông sẽ làm vua trong ba năm, quả nhiên vậy. Vua đã cho xây lại đền khang trang, đổi tên thành điện Huệ Nam (ân huệ trời Nam). Nhưng có những chuyện ly kỳ được truyền tụng ở ngọn đồi Ngọc Trản này gắn với đế vương. Năm 1832, lúc tuần du ngang trước điện Hòn Chén, thuyền Vua Minh Mạng bị một cây gỗ chắn ngang sông không qua được. Vua xuống chiếu truyền quan Khâm Mạng tuyên đọc và bỗng nhiên cây gỗ quay dọc lại, chìm nghỉm. Lại có chuyện, Vua Thiệu Trị đi chơi thuyền, một cung nữ lỡ tay làm rơi xuống sông chiếc ống nhổ bằng vàng ngay trước điện Hòn Chén. Nghe bảo cầu khấn Nữ thần sẽ được nên vua thử xem sao, quả nhiên chiếc ống nhổ bằng vàng nổi lên mặt nước và trôi vào bờ... Ðến với Lễ hội điện Hòn Chén để nhìn hàng nghìn con thuyền rực rỡ nối nhau, để cùng hàng nghìn tín đồ nghe hầu văn lên đồng, để lắc lư theo điệu nhạc, thấy mình có những khoảnh khắc thoát tục, mới hay những huyền thoại xưa còn phảng phất đó đây...
Những huyền thoại ấy ngày càng làm lung linh các lễ hội. Năm nào đó bên chén rượu, đám trai làng Sình kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa, khi thể thức thi đấu chưa chặt chẽ như bây giờ, có năm dân làng phải chuẩn bị sẵn hòm để cạnh sới vật; hay mỗi kỳ đua ghe, thế nào cũng có vài trận ẩu đả giữa các vạn chài. Những chuyện ấy đã xưa, giờ người ta tổ chức lễ hội đua ghe văn minh rồi...
Có một lễ hội rất nhân văn và xưa nay chưa hề thay đổi, đó là Lễ cúng Cô hồn Thất thủ Kinh đô ngày 23 tháng 5 Âm lịch. Dịp đó, người Huế cúng cô hồn không chỉ trong nhà, mà còn tham gia cúng ở xóm, ở thôn, ở phường... Miếu Âm hồn lâu năm nhất ở ngã tư Anh Danh (đường Lê Thánh Tôn - Mai Thúc Loan) nghi ngút khói hương. Có lần tôi dẫn một người bạn đến xem lễ và cô ấy đã khóc khi nghe các cụ đọc văn tế, truyền niềm xúc động vô biên cho người dự lễ. "Lô nhô trẻ dìu già, ông dắt cháu, chân còn đi đầu gục lìa vai/Lao nhao con khóc mẹ, vợ kêu chồng, tiếng thưa thớt xương đà chất đống/ Oan uổng quá...". Nếu bình chọn về một lễ hội nhân văn nhất, thể hiện một tấm lòng nhân hậu bao la nhất, có lẽ không lễ hội nào qua được lễ hội này. Hầu như toàn dân Huế đều cúng âm hồn trong dịp này, xuất phát từ lòng cảm thương những người đã chết trong biến cố một cách bi thương và oan uổng, cúng để cảm thông những linh hồn bơ vơ vất vưởng, không ai thờ phụng tâm linh... Nhiều năm đi dự lễ, tôi nhận thấy có khá nhiều du khách nước ngoài biết về lễ hội này. Và nơi khóe mắt họ, nhiều người rơi lệ cảm thương... Ðây có thể là lễ hội đường phố xưa nhất ở Huế. Có lẽ, ngành văn hóa, du lịch nên nghĩ đến cách thức kéo du khách vào cuộc, cùng người dân địa phương bày tỏ, hòa chung nỗi cảm thương người xưa oan khuất, với những lễ nghi nhẹ nhàng, đốt một que củi, nấu một chén cháo...
Nhiều lễ hội làng mộc mạc xa xưa, giờ đã phát huy, hội nhập với quốc tế. Ví như Lễ hội làng Chuồn. Bên cạnh đám rước rất đẹp, bao giờ gần cuối đám rước cũng có đoàn hát Thài. Thài là điệu hát chỉ dành riêng cho lễ cung nghinh. Ðám hát Thài gồm khoảng 20 người, mặc lễ phục dân tộc. Hát Thài trong đám rước cung nghinh ở làng Chuồn là một tục lệ hiếm có, gần như duy nhất còn sót lại trong các đám rước Thành hoàng ở Thừa Thiên - Huế. Vì vậy, nó tạo nên sự độc đáo của lễ hội làng. Về sau này, khi phục dựng Thài trong Lễ tế Nam Giao phục vụ Festival Huế 2006, một số người dân của làng đã được mời lên để chỉ dẫn cho diễn viên.
Ấy là lúc lễ hội dân gian bắt đầu đưa giá trị của nó vào một sân chơi lớn hơn nhiều: sân chơi nghệ thuật có sức lan tỏa ở tầm quốc tế...
Nguồn: nhandan.com.vn