Ngay từ đầu phố, cạnh ngã tư Hàng Gai – Lương Văn Can tại số nhà 38 hiện nay đang là cửa hàng bán đàn, mùa thu 1912, cậu bé Vũ Trọng Phụng đã cất tiếng khóc chào đời, để rồi khi lớn lên ở tuổi 18, đã tạo nên một văn nghiệp đồ sộ chỉ trong 9 năm với những tiểu thuyết nổi tiếng như “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê”... và những phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Cơm thày cơm cô”, “Lục xì”... tuy khi ấy, ông đã chuyển sang Hàng Bạc, rồi xa hơn là làng Mọc Nhân Chính. Nhưng thổ địa nơi sinh cũng quan trọng lắm chứ. Đối diện với nhà 38, bên kia đường thì cũng có một nhân vật không xa lạ với làng văn. Đó chính là Tam Lang Vũ Đình Chí với phóng sự “Tôi kéo xe” nổi tiếng. Rẽ vào Tô Tịch, chợt thấy hiện lên dáng gày gò, thanh mảnh của nhạc sĩ Đặng Thế Phong và nghe réo rắt đâu đó “Con thuyền không bến”. Cứ thế đi theo ông đến cửa nhà tôi 60 Hàng Bông, sẽ thấy ông đứng tần ngần nhìn sang bên kia đường ngắm cô nàng bán chăn bông mà ông đã từng tương tư.
Nếu không rẽ vào Tô Tịch mà đi thẳng, ta sẽ đi qua bao cửa nhà từng trang trải ấu thơ của họa sĩ Phạm Văn Đôn, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Kim và chợt bồi hồi dừng lại nghe xa xăm tiếng guitare của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước với “Bóng chiều xưa” da diết, lại thấy đi bên đường tác giả bài thơ “Ông đồ” Vũ Đình Liên mà bạn bè hay gọi là “Bonde-Liên”, hay nghe vẳng đâu đây từ máy quay đĩa giọng vàng Ái Liên ngay cửa tư gia của bà.
Qua mấy bước nữa, sang phố Hàng Bông, lại nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Nhà kịch gia – chủ báo “Tiểu thuyết thứ bảy” Vũ Đình Long. Trong nhà đầy những bức tranh ấn tượng và trừu tượng của con trai ông. Và thấp thoáng bóng bà quả phụ bên cạnh cô con dâu người Nga Natasa. Ai đã quên “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long làm náo nhiệt Nhà hát Lớn hồi nào.
Chẳng thể nào ngờ quán mỳ nước ở trước cửa nhà tôi hôm nay, xưa kia là báo Trung Bắc Tân Văn. Vẫn thấy đâu đó bóng dáng của Phạm Cao Củng bước ngất ngơ trên đường đến tòa soạn với chiếc cặp căng phồng những tiểu thuyết trinh thám. Cũng đừng vội quá, nếu đang tần ngần bên ngõ Tạm Thương thì sẽ nghe trong trẻo tiếng áccordeon của nghệ sĩ Văn Tâm đang dạy học trò. Người học trò ngước lên thì lại chính là nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo ngày ấu thơ chăm chỉ đến học nhạc ở thày Văn Tâm trước khi xuất ngoại du học ở Pháp.
Đã đi thì đi cho hết phố, tuy vẫn là phố Hàng Bông nhưng đã sang phường Hàng Bông. Nếu ở dãy nhà bên phải số 78 là nơi trú ngụ của nghệ sĩ Trần Thụ với ca khúc “Chiều Hồ Gươm” nổi tiếng thì bên kia đường, xa xưa là nơi ở trọ của cặp thi sĩ Xuân Diệu – Huy Cận. Đi chút nữa là qua nhà dịch giả Nguyễn Thụy Ứng mà nhiều người đã nhầm là ông chú của tôi, người đã dịch “Sông Đông êm đềm” và “Tiểu đoàn kỵ binh” vang động một thời của văn học Nga Xô-Viết. Cứ rông dài là đến tòa soạn “Tiểu thuyết thứ bảy” để hình dung ra quán nhỏ đầu ngõ Cấm Chỉ, nơi Ngọc Giao thường tiếp Bích Khê. Nhìn gần thời gian chút nữa, thấy nghệ sĩ kịch nói Trịnh Mai đang ngửa cổ dốc cạn chén rượu ngang. Chợt ồn ào nhìn vào quán ăn cuối phố, thấy nhạc sĩ Thế Bảo và Nguyễn Lang đang nhâm nhi bữa trưa, còn nhạc sĩ Trương Tuyết Mai thì đang cười nói cùng nhà văn hóa Bondarel người Pháp làm rung chiếc khăn rằn.
Nếu từ đường trục Hàng Gai – Hàng Bông tỏa ra các đường nhánh, ta sẽ thấy đầu ngõ Hàng Chỉ trên phố Hàng Mành, nơi nhạc sĩ Lương Ngọc Trác bị thương mùa đông 1946 và quay về nằm tại bệnh xá phố Hàng Gai để viết ra hành khúc “Thủ đô huyết thệ” qua bài thơ của võ sư Lĩnh Nam. Qua nhà họa sĩ Mạnh Quỳnh ở Hàng Nón, ta sẽ rẽ sang nhà chủ báo “vịt đực” Nghiêm Xuân Huyến (thân sinh bà Nghiêm Thúy Băng – phu nhân nhạc sĩ Văn Cao), và thêm chút nữa thì tới tệ xá nhà thơ Yến Lan tác giả “Bến My Lăng” nổi tiếng tập kết ra Bắc và cư ngụ tại phố Hàng Quạt. Cuối phố là trường Trí Tri, nơi đã diễn ra cuộc nói chuyện về Tân nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên từ Sài Gòn xuyên Việt tới Hà Nội và sau đó là những ngày sôi sục “Truyền bá quốc ngữ”.
Kề bên phường Hàng Gai là phường Hàng Bông. Nếu đi từ phía chợ Hàng Da vào phố Hàng Da, ta sẽ nghe đâu đây giọng hát Trần Khánh âm vang cùng tiếng cầu kinh ở nhà thờ Tin Lành đầu Ngõ Trạm. Đi tới là nơi trú ngụ của ông chủ báo Nam Phong và Đông Dương Tạp Chí Phạm Quỳnh trước khi vào Huế. Cũng ở đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời đầu năm 1930. Bên kia số 11, là nơi nhà văn Vũ Bằng và bà Quỳ trú ngụ, để rồi sinh ra “Thương nhớ mười hai” rấm rức nỗi tha hương sau đó.
Nếu kể rộng ra nữa thì quanh phường Hàng Gai, Hàng Bông còn vô số những kiệt hiệt văn nghệ như tài tử Ngọc Bảo ở Phủ Doãn, nhạc sĩ Doãn Mẫn ở Nhà Thờ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ ở Nguyễn Quang Bích... Riêng nhà 60 Hàng Bông của tôi cũng là nơi từng trú ngụ của nhà văn Hoài Giang, Nguyễn Thị Vân Anh, nhà phê bình Ngô Thảo và nhà báo Phạm Mạnh. Căn gác nhà tôi chính là câu lạc bộ văn nghệ một thời dài hậu chiến của Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân, Văn Cao, Hoàng Cầm, Trịnh Công Sơn...
Đúng là phố cổ phường tôi - một bảo tàng văn nghệ.
Nguyễn Thụy Kha
(Tạp chí Du lịch)