Người đàn ông Tây Nguyên suốt đời ở trong rừng, hoặc đuổi theo một con thú, lần vết một đàn ong mật, lặn lội ngược những con suối đá lởm chởm và trơn trợt truy tìm tung tích một con cá chình núi, hay loay hoay chặt cây vác đá chặn đứng cả một dòng suối lại để tát cá, mải miết đuổi theo một con lợn rừng, một con kỳ đà, một con cúi, một con chuột... Hoặc mải mê đi tìm một cây gỗ đẹp để làm tượng, tít tận trong rừng thẳm hay trên một đỉnh núi dốc ngược. Hoặc cũng không ít khi ở trong nhà, nhưng là nhà... một người họ hàng, một người bạn cố tri, hay cũng rất có thể một người bất kỳ nào đó cũng đang lang thang như chính anh ta, mới cùng nhau đánh bạn trên đường, tận một làng không tên xa lơ xa lắc, la đà tán gẫu và hút rượu cần. Và lúc ấy thì chẳng còn cần biết trời đất là gì nữa, chẳng còn cần biết là đang ở trong không gian, thời gian nào nữa, cũng chẳng nhớ đường về...
"Định mệnh" của người đàn ông ở đây là thế. Họ là ở bên ngoài, là thuộc về ngoại giới, ở ngoài ngôi nhà của họ, gia đình họ, ở nơi mà theo một nghĩa nào đó, con người không thật sự còn có "trách nhiệm" nữa, hay ít ra đã nhẹ trách nhiệm đi rất nhiều. Như vậy bạn thấy đấy, ở Tây Nguyên người đàn ông, người cha là bên ngoại chứ không phải bên nội. Con cái không theo dòng máu của cha, không sinh ra cùng với tên họ của cha. Ở đây cội rễ của sự sống không phải là người đàn ông.
Ở đây người đàn bà mới là bên nội. Bà ở bên trong, là nội giới, là nhân tố quyết định của sự nội sinh, là chủ nhân đích thực của dòng chảy. Cho nên bà là người chủ của sự sống, người chủ của gia đình, là cội rễ, là rường cột. Chính bà giữ sự ổn định cho cuộc sống. Chính người đàn bà truyền dòng máu của mình cho các thế hệ nối tiếp, tức chính bà là người giữ bền chặt "chương trình" của sự sống, để cho sự sống không bị đứt đoạn, không bị "quên".
Cho nên, nói theo nghĩa sâu nhất, người đàn ông là quên, còn người đàn bà là nhớ. Bà giữ bền cái nhớ cho giống nòi.
Ở Tây Nguyên, một đứa bé lọt lòng mẹ ra vẫn chưa phải là một con người. Người ta phải thổi linh hồn vào cho nó thành người. Thổi vào đâu? Thổi qua lỗ tai. Vì thế mà có lễ thổi tai cho đứa bé sơ sinh. Người thổi tai bao giờ cũng là người đàn bà, đương nhiên phải là như vậy, bởi như đã nói, chỉ có bà mới giữ giềng mối của sự sống kia mà. Người đàn bà thổi tai thường là một bà đã đứng tuổi - để cho cái nhớ được bền chắc chăng? - bà cầm một cuộn chỉ bông, lấy ra từ chiếc xa quay, phun gừng mà bà đã nhai nát vào đó, rồi thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát vào tai đứa bé. Vừa thổi vừa khấn: “…làm người hãy nhận lấy hồn người đây, con trai phải nhớ lấy cái cuốc phải nhớ lấy cái rìu, phải nhớ lấy cái giáo giữ làng cái ná và ống tên, con gái chớ quên chiếc xa cán bông cái go dệt vải...”. Từ "nhớ" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, và cơ quan của sự nhớ, cũng tức là của sự hiểu biết, thông tuệ, con đường đi vào của linh hồn, chính là lỗ tai.
Trong tất cả các nghi lễ, người cầu khấn bao giờ cũng là người đàn ông. Duy có trong lễ thổi tai, lễ truyền cái nhớ, tức sự sống cho sinh vật vừa sinh ra được chính thức thành người, người cầu khấn là người đàn bà.
Bà là người tuyên ngôn sự sống, bà nắm giữ bộ nhớ muôn đời của sinh tồn, là nhân vật giữ chức năng thiêng liêng duy trì cái nhớ cho giống nòi đó, đồng thời cũng là tác giả chế ra thứ thuốc quên kỳ diệu nhất của Tây Nguyên: rượu cần.
Bạn có muốn biết cách thức một người đàn bà Tây Nguyên chế biến rượu cần không? Đấy là cả một giả kim thuật bí hiểm, rượu cần được làm bằng những thứ thông thường nhất trong đời sống hàng ngày: gạo, ngô, sắn, hoặc một loại ngũ cốc nào đó, người ta bảo ngon nhất là rượu kê..., tất cả được nấu chín, giã nát ra, vê thành những viên nhỏ. Và trộn với men. Bí quyết nằm ở men.
Men được chế bằng những thứ thảo mộc đặc biệt có khi là lá, có khi là rễ, cũng có khi là vỏ cây. Cây gì? Bí mật. Chỉ có đàn bà biết, và chúng đều mọc trong rừng rất sâu.
Một đôi người có hiểu biết sâu về Tây Nguyên và thật tò mò cố ra sức moi tìm bí quyết của rượu cần bảo rằng trong những thành phần độc dược rất đa dạng và bí hiểm các vị nữ phù thủy ở đây dùng trong quy trình pha chế món men ghê gớm của họ, có một thứ không thể thiếu: củ riềng. Thậm chí người ta bảo chính củ riềng là tác nhân chính của sự say đến chẳng còn biết trời đất đã thấy. Lại một điều lạ nữa: gừng và riềng, hai giống thật gần nhau, như là hai biến thể gần gũi đến có thể nhầm làm một của cùng một họ hàng thảo mộc. Vậy mà gừng thì mở đường cho sự nhớ (trong lễ thổi tai), còn người anh em của nó là riềng lại là vị thuốc tuyệt diệu dắt người ta vào cõi quên mịt mùng!
Hình như trong cái trò chơi kỳ diệu này của con người Tây Nguyên đối với sự sống có một triết lý nào đó thật uyên thâm. Nhớ và quên tạo nên cuộc sống đầy bí ẩn và hấp dẫn của vùng đất này.
(Trong bài viết có sử dụng một số tư liệu của Jacques Dournes)
Nguyên Ngọc
(Tạp chí Du lịch)