Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam: Xuất hiện nhiều thông tin “gây nhiễu”, do đâu?
Mặc dù mục đích thành lập Hội HDV đã được ghi rất rõ “là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên là những HDV du lịch Việt Nam” song trên một số diễn đàn và mạng xã hội vẫn tỏ ra hồ nghi về mục đích thành lập hội, thậm chí có ý kiến cho rằng, thực chất của hoạt động này là “ép” các HDV tự do vào Hội để quản lý…
Trao đổi với Tạp chí Du lịch điện tử về vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết,
hiện nay không có một tổ chức nào quản lý đội ngũ HDV, phần lớn HDV trên cả nước hành nghề tự do mà không thuộc quân số đơn vị nào. Điều này đã gây nên nhiều hệ lụy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn của HDV chưa đáp ứng yêu cầu. Trước tình hình đó, Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh lại quy định về điều kiện hành nghề của HDV du lịch. Theo đó, HDV được phép hành nghề phải đảm bảo tiêu chuẩn được cấp thẻ HDV và phải có hợp đồng lao động với công ty lữ hành hoặc công ty chuyên cung cấp HDV, hoặc là thành viên của Hội nghề nghiệp HDV. Hai điều kiện này rất quan trọng để góp phần quản lý, chấn chỉnh đội ngũ HDV. “Việc thành lập Hội HDV sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động, bảo vệ quyền lợi, quản lý hội viên của mình cũng như giúp các cơ quan nhà nước có thể quản lý, nắm bắt hoạt động của lực lượng HDV du lịch”, ông Bình nhấn mạnh và khẳng định, việc gia nhập Hội là hoàn toàn tự nguyện.
Ông Vũ Thế Bình cũng cho biết, để chuẩn bị cho sự ra đời và xây dựng kế hoạch hoạt động cho Hội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức hội thảo ở 3 miền, làm việc với nhiều công ty lữ hành và một số hướng dẫn viên tiêu biểu để xây dựng hệ thống thông tin về HDV Du lịch Việt Nam, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các hướng dẫn viên trong quá trình tác nghiệp, đồng thời tạo kết nối chặt chẽ giữa HDV với các doanh nghiệp (DN) lữ hành.
Hiện Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập Ban Chấp hành lâm thời Hội HDV Du lịch Việt Nam gồm 41 thành viên, gồm đại diện của các vùng miền; đại diện bộ phận hướng dẫn của các công ty; các Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố; đại diện của các CLB Hướng dẫn viên đang hoạt động hợp pháp trong các tổ chức của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Ban Chấp hành lâm thời sẽ triển khai ngay các công việc và hoàn thiện các văn bản cần thiết để tổ chức Đại hội Hội HDV Du lịch Việt Nam lần thứ nhất trong năm 2018.
“Hội chưa Đại hội chính thức và vẫn đang tiếp thu các ý kiến hội viên, các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp (DN) để tiếp tục hoàn thiện hơn trong tổ chức, điều hành, hoạt động để khi đại hội sẽ thông qua những quy chế chính thức. Khi xây dựng quy chế, chúng tôi đã qua 5 lần dự thảo, mỗi lần đều có hội thảo để lấy ý kiến DN lữ hành, HDV, rất nhiều HDV gạo cội ở cả 3 miền đã đóng góp các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết để chúng tôi điều chỉnh các nội dung cần thiết”, Phó Chủ tịch thường trực Hội HDV Bùi Văn Dũng cho biết thêm.
Trước thông tin cho rằng, việc thu lệ phí hội viên 1 triệu đồng/hội viên là quá cao, ông Bùi Văn Dũng khẳng định “mức lệ phí gia nhập hội là 500.000 đ/hội viên, chỉ đóng 1 lần duy nhất khi vào hội; còn hội phí thường niên là 500.000 đ/năm; nhằm mục đích phục vụ cho chính các hội viên như đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho HDV, đào tạo chuyên sâu những nội dung cụ thể như nghiệp vụ hướng dẫn du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, văn hóa…”.
Bên cạnh đó, Hội đang phối hợp cùng Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai hệ thống thông tin hướng dẫn du lịch Việt Nam. Hệ thống được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, tìm kiếm công việc, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với hướng dẫn viên, góp phần nâng cao vị thế của đội ngũ hướng dẫn viên trong ngành Du lịch.
“Hội HDV đã xây dựng một phần mềm chạy trên ba nội dung lớn. Một là hỗ trợ thông tin cơ bản cho các HDV cần trong quá trình hành nghề, ví dụ như giao thông, thời tiết, điểm đến, đặc điểm phong tục tập quán, văn hóa tại nhiều điểm đến; các kỹ năng xử lý tình huống. Đây là những thông tin rất bài bản do đó cần hệ thống công nghệ thông tin lớn để chứa đựng và xử lý tất cả những thông tin này”, ông Dũng nói và cho biết, hệ thống doViettel xây dựng nên nếu sử dụng sim Viettel thì dễ dàng trong việc tương thích, thứ hai là Viettel là một trong những mạng được phủ sóng lớn nhất trên toàn quốc, đến các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới… mà nhiều mạng khác chưa phủ sóng đến được. Trong quá trình hướng dẫn khách, HDV cần các thông tin cần thiết vẫn có thể truy cập để phục vụ cho công việc, cũng như xử lý các tình huống trong trường hợp xảy ra các sự cố như tai nạn, cấp cứu, xe cộ trục trặc… “Vì vậy chúng tôi khuyến khích hội viên dùng sim Viettel. Lý do nữa là tin nhắn từ hệ thống phần mềm này chỉ 150 đ/tin nhắn, trong khi mạng ngoài là 450 đ/tin”, ông Dũng nói.
Một nội dung quan trọng khác đang được Hội HDV triển khai là xây dựng 1 sàn giao dịch việc làm cho hội viên nhằm tạo sự kết nối giữa các DN lữ hành và HDV. Tạo thuận lợi cho DN lữ hành cũng như hội viên, từ đó mở ra các cơ hội tìm kiếm việc làm.
“Để đảm bảo tính công khai minh bạch về tài chính, Hội HDV đã thuê một Công ty độc lập giám sát các hoạt động thu, chi. Hàng năm có kiểm toán và thông tin công khai tới hội viên cũng như trên các phương tiện truyền thông”, Phó Chủ tịch Bùi Văn Dũng cho biết thêm.
Việt Hùng