TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch chủ yếu của Nam Định gồm có:
- Về du lịch văn hóa: Để thu hút khách quốc tế, cần quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, tổ chức khảo cổ xác định giá trị di sản công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn Hành Cung Thiên Trường thế kỷ 13 - 14 gắn với vương triều Trần - một triều đại võ công văn trị đã 3 lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông. Có thể nghiên cứu xây dựng trung tâm thông tin giới thiệu (bằng nhiều ngôn ngữ) về giá trị di sản để du khách đến thăm có thể hiểu biết sâu hơn về quần thể di tích đặc biệt này.
+ Du lịch văn hóa tâm linh mang tính đặc trưng riêng của Nam Định là tín ngưỡng thờ Mẫu tại quần thể di tích văn hóa phủ Dầy gắn với Lễ hội phủ Dầy. Đây là điểm du lịch quốc gia hiện thu hút khách nội địa là chủ yếu. Tuy nhiên, sau khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại, khả năng thu hút khách quốc tế tăng lên đáng kể. Vì thế, cần quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo các di tích, duy trì phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như: lễ hội, hát văn, hầu bóng (loại trừ yếu tố mê tín dị đoan), tôn tạo cảnh quan, môi trường tự nhiên.
+ Du lịch làng nghề với sản phẩm truyền thống như đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên (huyện Ý Yên), các làng nghề cây cảnh của huyện Nam Trực và Hải Hậu là những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Có thể kết hợp loại hình du lịch tham quan, du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho khách quốc tế cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống lao động sản xuất và tập quán sinh hoạt của người dân làng nghề địa phương. Qua đó góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân làng nghề từ hoạt động du lịch.
- Về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng quê
+ Khai thác phát huy giá trị của sản phẩm du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy - điểm ramsar quốc tế đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nơi dừng chân của các loài chim di trú nhằm thu hút khách du lịch quốc tế.
+ Khai thác phát huy giá trị thương hiệu quốc tế của khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh đồng bằng sông Hồng đối với hệ sinh thái đất ngập nước thuộc huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia vào hoạt động du lịch để họ có việc làm, có thu nhập ổn định và tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường tự nhiên sinh thái.
+ Hình thành loại hình du lịch tham quan cảnh quan làng quê tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn với văn hóa mở đất của cộng đồng cư dân các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (nơi tiếp cận, giao thoa với văn hóa phương Tây cùng với sự xuất hiện sớm của đạo Thiên Chúa và hệ thống các nhà thờ). Thông qua các hoạt động du khảo đồng quê, du khách có cơ hội tham quan, trải nghiệm nông thôn mới, tham quan các nhà thờ công giáo với kiến trúc đa dạng, thưởng thức các đặc sản nông nghiệp như: gạo tám, gạo nếp Hải Hậu.
- Du lịch trên sông: Nam Định có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, trong đó có các sông lớn như sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ. Hệ thống sông này kết nối thành phố Nam Định với nhiều điểm du lịch trong tỉnh, bởi vậy, có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch trên sông để tận dụng lợi thế và những nét đặc sắc của tuyến giao thông tự nhiên, gắn kết các di tích lịch sử - văn hóa vốn vô cùng phong phú dọc các sông, gắn với nền văn minh lúa nước của Việt Nam, kết nối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, để phát triển được loại hình du lịch này, cần xây dựng hệ thống cầu cảng dành riêng cho tàu thuyền du lịch, xây dựng hệ thống báo hiệu đường sông cho khách du lịch, cải tạo hệ thống cảnh quan bên bờ các con sông... Đây là việc làm đòi hỏi thời gian, công sức và đầu tư kinh phí rất lớn. Bởi vậy, giai đoạn trước mắt, để khai thác tiềm năng du lịch này, có thể xây dựng các tour ngắn trên sông với điểm xuất phát từ các bến của sông Đào thuộc địa phận thành phố Nam Định, phát triển ra các hướng nối với sông Hồng tham quan cầu Tân Đệ, phà Tân Đệ, đền Cây Quế hoặc xuôi về phía Nam thăm làng nghề cây cảnh Vị Khê, đền thờ trạng nguyên Nguyễn Hiền, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với thành phố Hà Nội và các tỉnh liên quan để nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch sông Hồng liên tỉnh.
TS. Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Đề xuất định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho Nam Định:
Thứ nhất, cần tìm ra yếu tố riêng khác, tiêu biểu, đặc trưng cho vùng, thậm chí cho quốc gia mà Nam Định sở hữu có thể cấu thành hai loại hình du lịch ưu tiên trên. Với loại hình du lịch gắn với các giá trị thiên nhiên, cần tập trung trọng điểm vào Vườn quốc gia Xuân Thủy. Các giá trị nổi bật về địa hình và hệ sinh thái của vườn quốc gia này so với các nơi khác trong cả nước và toàn khu vực Đông Nam Á đã được UNESCO công nhận. Việc xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng mặc dù đã được triển khai, đưa vào khai thác song cần bám sát các yêu cầu và tiêu chí thiết kế dịch vụ và xây dựng sản phẩm du lịch có trách nhiệm mà Dự án EU đề xuất trong bộ tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam VTOS (Dự án Du lịch có trách nghiệm với môi trường và xã hội do liên minh châu Âu tài trợ, 2013). Việcxây dựng được sản phẩm du lịch có trách nhiệm tại điểm sinh thái độc đáo sẽ thu hút được khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao. Điều này cũng cần được xem xét để tạo điểm nhấn về thương hiệu, tạo sức hút trong quảng bá cho địa phương.
Thứ hai, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cuối năm 2016. Đây là sự vinh danh một biểu hiện văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh người Việt vùng châu thổ sông Hồng. Điều này không chỉ tạo thêm sức hấp dẫn cho du khách quốc tế với điểm đến còn mang đậm sắc màu văn hóa bản địa mà còn khuyến khích sự tham gia ngày càng đông đảocủa du khách nội địa, của chính người Việt để hiểu thêm, gắn bó thêm và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của chính họ. Nam Định được coi là trung tâm thờ Mẫu của đồng bằng Bắc Bộ bởi sự quy tụ hàng trăm di tích thờ Mẫu, tiêu biểu là hai điểm thực hành lớn nhất là phủ Dầy thờ Mẹ (thánh Mẫu Liễu Hạnh) và đền Trần thờ Cha (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) trong nguyên lý lưỡng phân lưỡng hợp “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Đây là lợi thế rất lớn cho Du lịch Nam Định xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh đặc thù vừa tôn vinh vừa bảo tồn di sản, vừa mang lại sự cải thiện điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cho địa phương. Đối với khách du lịch nội địa, cần giảm sự ảnh hưởng của tính thời vụ bằng việc tổ chức các sự kiện như liên hoan chầu văn, diễn xướng hầu đồng… vào thời gian ngoài mùa vụ. Đối với khách du lịch quốc tế, cần tạo ra sự dẫn dắt, thâm nhập để du khách được hiểu thông qua nhận thức và cảm xúc. Thương hiệu Du lịch Nam Định nhờ những điều này đã có sẵn những giá trị cốt lõi. Vấn đề của ngành Du lịch là đưa những giá trị này đến với thị trường một cách khoa học và nhân văn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: Nam Định không nên so sánh thế mạnh tài nguyên tự nhiên với các địa phương khác, mặc dù Nam Định có biển, có sông, mà điểm nhấn của Nam Định chính là du lịch tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ Mẫu đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nên tập trung vào loại hình này đồng thời phát triển chầu văn để tạo thành một điểm nhấn cho du lịch văn hóa. Đây chính là nét đặc sắc của Nam Định mà không phải địa phương nào cũng có.
Bên cạnh đó, du lịch có tiềm năng về du lịch làng nghề, du khảo đồng quê, du lịch chiêm ngưỡng nhà thờ cổ… có thể nói Nam Định là “thủ đô” của nhà thờ nhưng đưa vào thành điểm du lịch không hề đơn giản, để thành sản phẩm du lịch cần một quá trình, cần thời gian và sự quyết tâm. |