Thách thức lớn nhất hiện nay là biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới Hội An. Cùng với đó, là sự xâm hại môi trường tự nhiên mà tác nhân chính là con người trong quá trình khai thác du lịch. Năm 2017, hiện tượng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra, nắng nóng khô hạn kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tại một số cánh đồng của xã Cẩm Kim; lũ lụt dồn dập vào những tháng cuối năm 2017, sông Thu Bồn bị biến đổi dòng chảy, bờ biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, trong khi đó luồng lạch Cửa Đại ở phía Nam thì lại bị bồi lấp, khiến các nhà khoa học quan ngại việc bờ biển Cửa Đại sẽ tiếp tục bị biển xâm thực, nếu chính quyền địa phương không khẩn trương đưa ra được giải pháp tổng thể căn cơ để cứu bờ biển xinh đẹp này.
Việc kéo điện lưới quốc gia ra xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm) đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội trên đảo, nhưng cũng gắn với nỗi lo khi tốc độ phát triển vượt tầm quản lý, giám sát của chính quyền địa phương và cộng đồng, đặc biệt là phát triển du lịch tự phát rất khó kiểm soát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ông Lê Xuân Ái- Cố vấn khoa học Khu bảo tồn biển (KBT) Cù Lao Chàm cho biết: Hoạt động du lịch bùng phát tại Cù Lao Chàm trong thời gian gần đây, trong đó có hoạt động lặn ngắm san hô của du khách và tàu phục vụ vô tư thả neo tại các bãi lặn san hô của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đã tác động làm gia tăng việc hủy hoại các rạn san hô là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật dưới nước. Trong khi công tác quản lý của chính quyền địa phương vẫn còn nhiều bất cập, cùng với việc du khách không tuân thủ theo đúng quy định của KBT, lượng khách lặn quá đông trong cùng một thời điểm rất khó kiểm soát đã làm hư hại nhiều rạn san hô tự nhiên và làm giảm đi lượng lớn các loài động vật, sinh vật quý hiếm sống trong rạn san hô, khiến có loài nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.
Hiện nay, vấn đề quá tải đang diễn ra thường xuyên, hàng ngày tại các điểm du lịch chính của Hội An như: khu phố cổ, trên sông Hoài, đảo Cù Lao Chàm, làng gốm Thanh Hà, khu sinh thái rừng dừa nước xã Cẩm Thanh…, khiến cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như: giao thông đi lại, nhà vệ sinh công cộng, nguồn nước sau khi sinh hoạt, ăn uống trực tiếp thải ra môi trường và việc thu gom rác thải mà du khách bỏ lại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mà thực tế đang đặt ra. Các phương tiện giao thông tham gia đưa đón khách du lịch như, tàu, thuyền, ô tô, xe máy… ngày càng lớn cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể khiến ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng tại Hội An.
Mặc dù chính quyền TP. Hội An trong thời gian qua cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch thông qua các mô hình, các lớp tập huấn, xây dựng website để kêu gọi cộng đồng tham gia hoạt động du lịch bảo vệ môi trường và các giá trị tự nhiên, điển hình như: mô hình ngày không túi nilon; Tua du lịch vớt rác trên sông được tổ chức vào ngày thứ bảy hàng tuần… và Hội An cũng là thành phố thứ hai của Việt Nam (sau Hà Nội) thực hiện Dự án 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) bằng việc phân loại rác thải tại nguồn do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra hiện nay.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khuyến cáo Hội An, chỉ có con đường "Nói không với túi nilon" và "3R"(giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng), mới có thể giúp môi trường ở Hội An nhanh chóng được cải thiện và cũng là bước đi trong phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, Hội An cần xây dựng tiêu chuẩn nước thải và chất thải lỏng trước khi xả thải vào môi trường phát sinh từ các hoạt động du lịch. Đặc biệt là xiết chặt quản lý việc xả thải ra môi trường từ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.
Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn