Tầm nhìn Du lịch đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu
ĐBSCL có diện tích hơn 40.000km2, bờ biển dài 700km, dân số hơn 18 triệu người, chiếm 21% dân số của cả nước. Toàn vùng hiện có 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và một khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản, mà còn là một trong 7 vùng du lịch của cả nước, có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Năm 2017, lượng khách du lịch đến ĐBSCL đạt trên 34 triệu lượt khách, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016; tổng thu từ du lịch đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Thời gian qua, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã quan tâm đầu tư phát triển du lịch; nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch gắn với biến đổi khí hậu. Do vậy, Du lịch vùng ĐBSCL có bước phát triển khá ấn tượng, đạt được kết quả quan trọng, song việc đầu tư, khai thác chưa được kết nối một cách tổng thể dưới góc độ của vùng, còn thiếu chiến lược về thị trường khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; tốc độ phát triển du lịch của vùng ĐBSCL còn rất khiêm tốn so với các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ Lê Văn Tâm khẳng định: Biến đổi khi hậu đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của người dân vùng ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng. Hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, khô hạn, sạt lở… ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sự phát triển dịch vụ du lịch. Do vậy, đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp đồng bộ mang tính cả vùng, nhằm giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Tại hội thảo, ông Christopher Malone - Trưởng khối Phát triển kinh tế toàn cầu của BCG cho rằng, cần phải có một khuôn khổ cho sự bền vững của môi trường trong chiến lược, tính bền vững không thể là giải pháp chữa cháy, tài sản lớn nhất của khu vực ĐBSCL là cảnh quan độc đáo và đa dạng sinh học, sự tăng trưởng của số lượng khách đến và sự phát triển cơ sở hạ tầng cần được quản lý để đảm bảo giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên và những gì được ban tặng của khu vực. Ông đã đặt ra 6 nội dung xoay quanh định hướng tầm nhìn, cụm du lịch tổng thể, cơ sở hạ tầng, tài sản phi hạ tầng, đầu tư và kêu gọi đầu tư; đồng thời đưa ra 3 chủ đề chiến lược để xây dựng các đề xuất du lịch: "Nghỉ dưỡng trên sông", "Safari ĐBSCL", "Khám phá sinh thái - nông nghiệp" và đưa ra biện pháp để cải thiện số lượng khách đến và chi tiêu du lịch trong khu vực, trong đó nhấn mạnh đến hạ tầng giao thông (nhất là kết nối đường bay), xây dựng sản phẩm du lịch hiện đại, cải thiện tình trạng lưu trú, phát triển du lịch sinh thái - nông nghiệp - trải nghiệm văn hóa và ẩm thực gắn với bảo vệ môi trường. Qua đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Du lịch ĐBSCL có thể đạt con số 6 tỷ USD, thu hút khoảng 5 tỷ USD đầu tư. Để đạt được mục tiêu, các tỉnh ĐBSCL cần đảm bảo tài chính, có chính sách khuyến khích và xây dựng cơ quan xúc tiến du lịch cấp vùng.
ĐBSCL có tài nguyên du lịch phong phú cả về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực... và có thể phát triển phù hợp với các xu thế lớn trên thế giới như: khám phá thiên nhiên, đa dạng văn hóa và sinh thái, du lịch sức khỏe, và trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, tính kết nối yếu đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển và kêu gọi các bên liên quan tăng cường mở các đường bay đến sân bay quốc tế Cần Thơ và đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến còn lại của cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Vì vậy, ĐBSCL cần phát triển một hệ thống lưu trú, các sản phẩm du lịch kết nối, các ý tưởng sản phẩm du lịch độc đáo, đột phá và khác biệt. ĐBSCL cần rút ra chiến lược du lịch, đề xuất giá trị rõ ràng cho các phân khúc mục tiêu tạo ra hình ảnh là điểm đến chủ đạo cho du khách, chứ không chỉ là một phần trong hành trình khám phá Việt Nam và Đông Nam Á.
Theo chuyên gia độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện, du lịch phải song hành cùng sự phát triển của ĐBSCL. Trong bối cảnh tài nguyên đất, nước của vùng đang chịu nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, những tác động tiêu cực từ thượng nguồn và những vấn đề phát triển nội tại của ĐBSCL có ảnh hưởng nhiều đến môi trường, đe dọa đến tài nguyên đất, nước, từ đó sẽ ảnh hưởng đến những tài sản du lịch chính.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng giới thiệu một số mô hình phù hợp của các dự án tương thích đã thành công trên thế giới như: hệ thống du lịch kênh đào ở Hà Lan, hệ thống du lịch đồng bằng sông Mississippi của Mỹ với điểm đến nổi bật là TP. New Orleans, tuyến du lịch đồng bằng sông Nile ở Ai Cập, chợ nổi Thái Lan… có thể áp dụng hiệu quả cho ĐBSCL.
Kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ Lê Văn Tâm kêu gọi các tỉnh vùng ĐBSCL tích cực tham gia để thực thi các giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng kết nối vùng, thúc đẩy du lịch trong vùng phát triển nhanh và bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
P.V