Rừng dừa Bảy Mẫu nằm ở xã Cẩm Thanh. Nơi đây với địa hình là một rừng dừa nước phủ kín, trải rộng 57,68 ha trên địa bàn các thôn Vạn Lăng, Thanh Tam Đông, Thanh Tam Tây, Thanh Nhứt, Cồn Nhàn; đồng thời được bao bọc bởi sông nước nên rất thuận lợi cho phát triển chiến tranh du kích, trú ẩn.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, rừng dừa Bảy Mẫu cùng với căn cứ Vườn Xã Tiếp trở thành căn cứ vững chắc, nơi che chở an toàn của cán bộ xã Cẩm Thanh và thị ủy Hội An và ghi dấu nhiều chiến công thắng lợi, sự kiện lịch sử vàng son.
Với giá trị đó, ngày 10/1/2008 rừng dừa Bảy Mẫu được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa, để đưa vào quản lý, đầu tư và bảo vệ. Đồng thời để có cơ sở phát huy, khai thác giá trị lịch sử.
Tháng 9/2009, UBND tỉnh Quảng Nam công nhận rừng dừa Bảy Mẫu là điểm du lịch để định hướng và tập trung đầu tư, phát triển du lịch dịch vụ, nền tảng vừa là khu di tích lịch sử văn hóa, vừa là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm
Kể từ năm 2010, thành phố Hội An và xã Cẩm Thanh đã lập kế hoạch phát triển du lịch để định hướng đầu tư và xúc tiến mạnh công tác quảng bá du lịch khu di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu để thu hút khách đến, với sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch sinh thái - cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch TP Hội An cho biết, du lịch phát triển, lượng khách đến tham quan ngày càng đông, đã mở ra nhiều cơ hội và tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi, nâng cao thu nhập và cải thiện đáng kể sinh kế cho người dân…
Theo ông Sơn, bên cạnh những mặt tích cực cũng phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong quá trình phát triển nhanh đó là: một số hộ dân bất chấp khai thác, phá hoại rừng dừa để làm quà lưu niệm cho du khách; không hướng dẫn khách mặc áo phao; sử dụng các phương tiện âm thanh gây tiếng ồn, mạnh ai nấy làm; các cơ sở kinh doanh thì tự hạ giá dịch vụ thuyền thúng, cạnh tranh thiếu lành mạnh; tình trạng cò mồi, chèo kéo, bu bám khách du lịch còn diễn ra phổ biến gây mất trật tự…
Mặc khác, du lịch rừng dừa Bảy Mẫu đang phát triển thiếu tính bền vững, chỉ khai thác lợi ích mang lại trước mắt mà chưa nghĩ đến lợi ích lâu dài.
“Để chấn chỉnh tình trạng trên, TP Hội An đã chỉ đạo và UBND xã Cẩm Thanh đã tập trung tăng cường công tác quản lý và từng bước đưa hoạt động tham quan du lịch đi vào nề nếp - trật tự, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch và xây dựng điểm đến du lịch thân thiện - hấp dẫn”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Việc bán vé tham quan rừng dừa cũng đã được HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của rừng dừa Bảy Mẫu cũng như tạo nguồn nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch sinh thái tại Cẩm Thanh theo hướng phát triển bền vững.
Tháng 9/2017, TP Hội An cũng có quyết định phê duyệt phương án bán vé tham quan khu rừng dừa. Theo đó, thời gian bán vé bắt đầu từ ngày 1/12/2017 với giá vé 30.000 đồng/ khách.
Khi mua vé, du khách được tham quan khu di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh; thưởng ngoạn cảnh quan, hệ sinh thái vùng ngập mặn cửa sông ven biển; khu sản xuất và trưng bày nghề truyền thống tre dừa; được xem trình diễn vãi chài và các hoạt động khác; được sử dụng nhà vệ sinh và được đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình tham quan…
Lãnh đạo TP Hội An cho biết, nguồn thu từ vé tham quan được trích lại 50%/tổng phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất - hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch tại khu rừng dừa Bảy Mẫu và xã Cẩm Thanh; 50%/ tổng phí tham quan còn lại để chi hoạt động quản lý nhà nước về du lịch đảm bảo môi trường điểm đến du lịch thân thiện, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch.
Để phục vụ tốt hơn cho du khách khi bán vé tham quan, hiện công tác xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu tàu cho ghe thuyền cập, nhà vệ sinh, bãi đổ xe… cũng đang tiến hành xây dựng.
“Việc bán vé tham quan rừng dừa đáp ứng được nhiều mục tiêu, quản lý tốt hơn, có nguồn thu mỗi năm vài tỉ để tái đầu tư cho du lịch Cẩm Thanh”, Phó Chủ tịch TP Hội An phát biểu.
Nguồn: Dantri.com.vn