Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tại buổi làm việc với UBND Quận Đồ Sơn, Hải Phòng về sự cố tại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2017.
Sáng nay (2/7), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác tổ chức vòng loại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 2017. Trước đó, đoàn công tác cũng đã đến chia buồn với gia đình ông Đinh Xuân Hướng- người bị trâu chọi số 18 húc chấn thương dẫn tới thiệt mạng vào ngày hôm qua, 1/7.
Đoàn kiểm tra có sự tham gia của Cục Di sản văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Thanh tra Bộ… và đã đến khảo sát, kiểm tra tại Sân vận động Đồ Sơn- khu vực tổ chức vòng loại chọi trâu 2017 và làm việc với UBND Quận Đồ Sơn.
Theo ông Hoàng Xuân Minh- Chủ tịch UBND Quận Đồ Sơn, vòng loại Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2017 diễn ra vào hồi 7 giờ 30 ngày 1/7/2017 (tức ngày 8/6 năm Đinh Dậu) gồm 16 trận thi đấu với 32 “ông trâu”. Từ trận thứ nhất đến trận thứ 13 diễn ra đảm bảo an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, đến trận thi đấu thứ 14, trâu số 18 của ông Đinh Xuân Hướng (Phường Vạn Hương) bất ngờ đuổi tấn công người dắt trâu làm ông Hướng bị thương. Bộ phận y tế của BTC ngay lập tức có mặt và tiến hành sơ cứu, đưa ông Hướng đi cấp cứu. BTC đã chỉ đạo lực lượng nhốt trâu số 18 vào vị trí an toàn và tạm dừng các trận thi đấu còn lại. BTC cũng chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để thông tin được đầy đủ, chính xác về sự việc.
Lãnh đạo UBND Quận Đồ Sơn khẳng định, trong lịch sử Lễ hội chọi trâu, chưa bao giờ xảy ra tai nạn dẫn đến chết người như vậy. Cho rằng đây là sự cố hy hữu và đáng tiếc, ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND Quận Đồ Sơn, Trưởng BTC lễ hội cho biết, BTC đã có quy chế chặt chẽ, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn… Mong muốn của địa phương là tiếp tục được tổ chức vòng chung kết chọi trâu, sẽ rút kinh nghiệm, kiểm tra sai sót, tăng cường chặt chẽ hơn về khâu mua trâu, huấn luyện, theo dõi trâu, nếu có biểu hiện gì bất bình thường phải triệt để cấm vào tham gia lễ hội.
“Công tác chăm sóc trâu, huấn luyện phải để trâu làm quen với không khí đông đúc của lễ hội. Tăng cường cơ sở vật chất, hàng rào kiên cố, không để trâu phá rào ra khu vực khán giả, BTC. Bên cạnh đó, phải huấn luyện đội bắt trâu tinh nhuệ và điều hành linh hoạt hơn, khi trâu có biểu hiện bất bình thường phải lập tức thoát ly ra khỏi rào bảo vệ”- ông Hoàng Trung Hiếu nêu những giải pháp để tăng cường công tác bảo vệ an toàn lễ hội chọi trâu sau tai nạn dẫn đến trường hợp tử vong của chủ trâu.
Góp ý tại buổi làm việc, theo ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Lễ hội chọi trâu có giá trị tâm linh rất lớn, Hội đồng xét duyệt di sản phi vật thể quốc gia đã đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, để phát huy đúng giá trị của di sản này, cần đẩy mạnh phần lễ của Lễ hội.
Theo ông Thành, thời gian qua, việc tuyên truyền về giá trị tinh thần của lễ hội chưa tốt mà vẫn nhấn mạnh đến phần hội chọi trâu là chính. “Trong di sản, phần chọi chỉ là một trong những hoạt động, vì vậy, phải tổ chức phần lễ thật tốt, tạo điều kiện cho du khách tham gia trong chuỗi hoạt động này để người nhân biết giá trị linh thiêng, sâu xa của lễ hội”.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, trên hết, cần đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội. Đặc biệt, bà Hương đặt vấn đề, tại sao Quy chế của lễ hội lại cho rằng chủ trâu chịu trách nhiệm về các vấn đề mất an toàn do trâu gây ra, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu?
Theo bà Hương, lãnh đạo UBND Quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng phải có cam kết để không lặp lại sự cố, tạo một bước chuyển biến về nhận thức trong nhân dân. Đặc biệt, việc bảo đảm an toàn cho người dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Ông Trần Kim Hậu, đại diện Thanh tra Bộ VHTTDL cho rằng, việc tuyển trâu vẫn dựa trên kinh nghiệm và do các chủ trâu là chính, chính quyền vẫn chưa sát sao. Theo ông Hậu, phải có chuyên gia về gia súc hỗ trợ vào khâu tuyển trâu, giám sát trâu đầu vào, chứ chỉ dựa trên kinh nghiệm của các chủ trâu thì khó kiểm soát độ an toàn.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy ghi nhận sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bài bản của Quận Đồ Sơn trong việc xây dựng hệ thống văn bản, có quy chế, có đảm bảo quy hoạch giết mổ, công tác chuẩn bị cho lễ hội đúng quy định. Thứ trưởng cũng ghi nhận sự vào cuộc khắc phục sự cố thấu tình đạt lý của địa phương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, việc tuyên truyền, quảng bá lễ hội như thế nào, mục đích của lễ hội là gì, cần phải xác định lại. “Lễ hội phải mang lại giá trị hưởng thụ đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh trong nhân dân, đó là yêu cầu nhất quán của Bộ trong quản lý lễ hội”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
“Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không phải chỉ ở phần chọi trâu mà ở giá trị tâm linh và phần lễ. Trong 28 năm qua, chúng ta đã đặt đúng vấn đề thông tin về giá trị tinh thần của lễ hội hay chưa? Phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú ý ở phần chọi trâu, ít đề cập phần giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản. Vì vậy đề nghị Sở VHTT Hải Phòng tham mưu cho UBND TP và UBND Quận Đồ Sơn có cách tổ chức khác, phù hợp hơn”.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu địa phương rà soát lại các văn bản, quy định trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các văn bản quản lý lễ hội một cách rõ ràng, chặt chẽ hơn.
Đề nghị dừng Lễ hội chọi trâu năm 2017, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy yêu cầu Sở VHTT tham mưu UBND TP Hải Phòng xây dựng lộ trình tổ chức phù hợp và xem xét tổ chức buổi làm việc giữa Lãnh đạo Bộ VHTTDL với Lãnh đạo TP Hải Phòng để có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ./.
Nguồn: Toquoc.vn