Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ. Nắm bắt được lợi thế của địa phương và xu hướng của thị trường, ngành Du lịch Hòa Bình đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và nhân dân bản địa hiểu được tầm quan trọng của phát triển du lịch trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội của vùng.
Nhiều khu du lịch đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, chủ động tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, truyền thống của dân tộc mình để nâng cao, hoàn thiện chất lượng sản phẩm du lịch. Đến nay, Hòa Bình có hơn 100 bản du lịch cộng đồng, phân bố rộng khắp trên địa bàn, nổi bật là khu nghỉ dưỡng Bakhan Village Resort, Kim Bôi Serena, các điểm du lịch cộng đồng như bản Lác, bản Ké, xóm Đá Bia… Giữa không gian mênh mông, khoáng đạt, du khách được trải nghiệm các hoạt động khám phá, vui chơi bổ ích. Từ việc chèo thuyền, thăm thú hang động và dã ngoại trên đồng cỏ xanh bất tận. Thông qua việc tái hiện lại các nghi lễ cổ xưa, phương thức sinh hoạt hàng ngày và thưởng thức tinh hoa ẩm thực vùng miền đã để lại dấu ấn đặc trưng trong lòng du khách khi đặt chân tới đây.
Lần đầu tiên đến với điểm du lịch cộng đồng xóm Đá Bia (Đà Bắc), chị Đinh Thị Thùy Dung - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy nơi này khá bình yên và hoang sơ, hầu như chưa có tác động của bàn tay du lịch. Được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, tôi tạm quên đi ồn ã của cuộc sống hiện tại, cảm giác hiện tại rất thư thái. Trước đây, tôi đã tìm hiểu một chút về văn hóa dân tộc Mường và qua tiếp xúc trong chuyến du lịch này, tôi cảm nhận con người nơi đây rất hiền hòa, chân thật, cuộc sống của họ khá nhẹ nhàng, làm tôi vô cùng thích thú”.
Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng thành thương hiệu sản phẩm du lịch OCOP của tỉnh, năm 2020, Hòa Bình đã lên kế hoạch xây dựng 9 làng du lịch cộng đồng, trong đó có 3 sản phầm đạt chất lượng 3 - 4 sao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Hòa Bình giảm rõ rệt. Tỉnh đã khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn để triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa, với tiêu chí giảm giá nhưng không giảm chất lượng, đối tượng hướng đến là khách du lịch trong nước và nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ngay từ sau Tết Nguyên đán, các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay chủ động giảm 15% giá phòng và phục vụ miễn phí bữa ăn sáng. Đến nay, sau 9 tháng triển khai các gói kích cầu du lịch nội địa, tổng lượng khách du lịch đến Hòa Bình ước đạt 1,3 triệu lượt. Mỗi dịp cuối tuần, du khách đổ về các điểm du lịch đông hơn.
Theo chị Đinh Thị Yệu, chủ homestay Lake View ở xóm Đá Bia cho biết: “Đến đây, du khách được tìm hiểu văn hóa của người Mường Au Tá, thông qua nghi lễ tâm linh, ngôn ngữ, trang phục, phương thức sản xuất và ẩm thực. Du khách rất thích thú khi được nghe câu chuyện về nhà sàn, sự ra đời của nhà sàn. Bên cạnh đó, họ được tham gia lao động sản xuất với bà con, từ việc thu nuôi cá trên lòng hồ, đến chăn nuôi, trồng trọt. Vào mùa hè, khách du lịch có thể chèo thuyền, lội suối... Homestay có một quyển sổ để ghi lại những trải nghiệm của các đoàn khách du lịch khi đến đấy. Giữa khung cảnh thiên nhiên xanh mát, thơ mộng, họ cảm nhận sự thư thái, bình yên và tái tạo năng lượng. Họ đánh giá cao chuyến đi trải nghiệm này và sẽ tiếp tục trở lại đây vào một ngày gần nhất”. Đây được xem như là điểm sáng trong chương trình kích cầu du lịch nội địa của tỉnh.
Để phát huy những thế mạnh của ngành Du lịch, Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh đã xác định 4 đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đó là tập trung làm công tác quy hoạch hướng tới sự toàn diện và đón đầu xu thế, đây là cơ sở đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của ngành Du lịch; tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ các ngành kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch luôn cần sự hiện đại, chu đáo; thực hiện cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hàng rào pháp lý để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, sản xuất; tăng cường đầu cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đầu tư xây dựng cầu cảng để mở rộng giao thương và thuận tiện đi lại của du khách. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hơn nữa đến môi trường, hệ sinh thái của địa phương. Với phương châm “xây dựng Hòa Bình xanh và xanh hơn nữa”, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ những biện pháp bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái, góp phần tạo điểm nhấn thu hút du khách. Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua ngôn ngữ, trang phục, tập quan sinh hoạt, tạo ra nét riêng biệt, độc đáo của du lịch Hòa Bình nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.
Kim Quý