
|
Phiên họp Ban Chỉ đạo Dự án |
Đồng Giám đốc Việt Nam Vũ Quốc Trí đã trình bày một số kết quả hoạt động năm thứ 4 của Dự án. Năm 2007, Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam đã có nhiều hoạt động và thu được các kết quả thể hiện ở 6 hợp phần: tăng cường năng lực thể chế, tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chứng chỉ, chương trình phát triển đào tạo viên, hợp tác và công nhận khu vực, hợp tác khu vực và chương trình đào tạo quản lý du lịch. Dự án đã tiến hành đào tạo 1700 cán bộ giám sát trở thành đào tạo viên; xây dựng quy trình thẩm định kỹ năng nghề du lịch; cung cấp trang thiết bị cho các trung tâm thẩm định trị giá hơn 01 triệu USD; in tài liệu hướng dẫn đào tạo cho các nghề; hoàn thành xây dựng chuẩn tiếng Anh cho 6 nghề du lịch; hỗ trợ 25 cán bộ các sở, 10 giáo viên các trường, 5 cán bộ Tổng cục Du lịch đi đào tạo tại Malaysia; hoàn thành sản xuất 4 đĩa DVD hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức 80 hội thảo giới thiệu VTOS cho các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn; tổ chức 3 lễ phát chứng chỉ cho 562 đào tạo viên được Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTCB) công nhận; 8 khóa đào tạo đào tạo viên cho 150 học viên do chuyên gia quốc tế thực hiện, 28 khóa đào tạo đào tạo viên cho 500 học viên do chuyên gia trong nước thực hiện; 1.000 đào tạo viên đủ tiêu chuẩn được VTCB cấp chứng chỉ; 2 khóa đào tạo cho 20 giảng viên đào tạo TDP; 4 khóa đào tạo thẩm định viên cho 41 học viên; hội thảo về áp dụng tiêu chuẩn nghề ASEAN, các hội thảo quốc tế chuyên đề về phát triển nguồn nhân lực du lịch; 01 khóa tập huấn về quy hoạch phát triển du lịch bền vững tại Mũi Né - Bình Thuận; 02 khóa tập huấn về lập kế hoạch nhân lực du lịch tại Cát Bà và Phú Quốc…
Dựa trên cơ sở những kết quả hoạt động năm thứ 4, Dự án phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hoạt động tổng thể điều chỉnh đến năm 2010 và Kế hoạch hoạt động năm 2008 (Kế hoạch hoạt động năm thứ 5). Theo Đồng Giám đốc châu Âu Jozef W.M van Doorn, trong thời gian tới Dự án sẽ tập trung trọng tâm vào các hoạt động liên quan đến thẩm định nhằm đảm bảo chất lượng hệ thống công nhận qua việc hoàn thành tài liệu và video hướng dẫn tiêu chuẩn nghề, hệ thống công nhận nghề quốc gia tương ứng với hệ thống tiêu chuẩn nghề APEC và tương ứng với tiêu chuẩn kỹ năng nghề chung ngành Du lịch của ASEAN. Mặt khác, Dự án sẽ tiếp tục hoàn thành các khóa đào tạo, duy trì chất lượng và xây dựng tính bền vững của Dự án…
Các thành viên Ban Chỉ đạo Dự án đều đánh giá cao kết quả hoạt động của Dự án trong năm qua và nêu rõ Dự án đạt được mục tiêu, tiến độ, tính thực tiễn cao, có ảnh hưởng lan tỏa trên phạm vi cả nước. Với những hiệu quả đã đạt được, Uỷ ban châu Âu đã nhất trí phê duyệt kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến năm 2010. Các thành viên Ban Chỉ đạo Dự án nhất trí cao với nội dung dự thảo kế hoạch hoạt động tổng thể điều chỉnh và kế hoạch hoạt động năm thứ 5 của Dự án. Dự thảo các kế hoạch đã được xây dựng chi tiết, khoa học, đúng trình tự và phù hợp với Hiệp định tài chính điều chỉnh. Các thành viên Ban Chỉ đạo Dự án nhất trí đề nghị phê duyệt hai kế hoạch hoạt động của Dự án để có thể sớm triển khai đúng tiến độ. Để tiến hành tốt kế hoạch hoạt động năm thứ 5 và kế hoạch hoạt động tổng thể điều chỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo Dự án đã đưa ra một số ý kiến góp ý vào kế hoạch hoạt động trong thời gian tới. Cụ thể, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch do Dự án hỗ trợ Tổng cục Du lịch xây dựng nên bổ sung đến năm 2020 thay vì đến năm 2015 như hiện nay để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020 mà Chính phủ Việt Nam đang xây dựng. Liên quan đến hội nhập nghề trong khu vực và quốc tế, chứng chỉ của VTCB phải được công nhận trong khu vực và mang tính quốc tế. Để làm được việc này cần chế hóa VTCB và đưa ra giải pháp cụ thể để đảm bảo tính bền vững của VTCB, đặc biệt sau khi kết thúc Dự án, VTCB có thể tự hạch toán được. Dự kiến từ năm 2010 sẽ thực hiện chuyển dịch lao động tự do trong khu vực. Vì vậy, Dự án cần hoạt động tích cực để đảm bảo hội nhập của lao động Việt Nam trong khu vực. trình độ tiếng Anh của cán bộ và nhân viên trong ngành Du lịch hiện nay còn yếu và cần phải đảm bảo bằng với trình độ tiếng Anh trong khu vực nhằm đáp ứng quá trình hội nhập. Dự án nên tăng cường đào tạo tiếng Anh và đảm bảo tiêu chuẩn tiếng Anh ngang tầm với quốc tế.
Mặt khác, số lượng kỹ năng nghề Dự án thực hiện mới chỉ là 13 kỹ năng nghề, thêm một kỹ năng mới xây dựng là 14 kỹ năng nghề, và trình độ áp dụng là trình độ cơ bản. Trong khi đó, các nước khác có từ 3 đến 5 cấp trình độ. Đề nghị cân nhắc mở rộng các tiêu chuẩn nghề (trong ASEAN hiện nay có 32 tiêu chuẩn nghề) và áp dụng các tiêu chuẩn trên cơ sở có nghiên cứu đánh giá kết quả triển khai Dự án. Do vậy, Dự án EU không thể làm hết được, mà chỉ là tạo cơ sở ban đầu. Nếu có thể được, đề nghị Ủy ban châu Âu tiếp tục hỗ trợ cho giai đoạn hai của Dự án để phát huy tốt hơn các kết quả thành công đã đạt được của Dự án hiện nay. Điều này cũng phù hợp với ý kiến của Phái đoàn Ủy ban châu Âu cho rằng Dự án cần phải có những bước tiếp theo để mở rộng các kỹ năng nghề thay vì chỉ có 13 kỹ năng nghề, phải có tài trợ tiếp theo để các tiêu chuẩn này bền vững hơn. Dựa trên Dự án này, phía Việt Nam có thể xây dựng các mô hình áp dụng cho các ngành khác./.
HẢI DƯƠNG