Lợn trong câu đối
Trong truyện trạng Quỳnh có đoạn ông Tú Cát thử tài Quỳnh, ra đối: Lợn cấn ăn cám tốn (cấn và tốn vừa là tiếng nôm vừa là tên hai quẻ trong bát quái). Quỳnh đối lại: Chó khôn chớ cắn càn.
*Huyện B có quan nghị, họ lại hống hách cậy quyền thế, vốn xuất thân nghề lái lợn. Dân không ai ưa hắn. Một đêm có người viết câu đối lên sinh phần của hắn:
Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn lại
Vang lừng thôn Bắc, trên kinh dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân
*Nguyễn Công Trứ dùng lợn chỉ cảnh nghèo túng của mình:
Trong cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng buồn kêu
Đầu giường chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ
*Những câu đối của Nguyễn Khuyến tuy không nói đến tiếng lợn nhưng đọc lên ai cũng biết cụ đang nói gì.
Đó là vào một hôm gần Tết, một quả phụ đem biếu cụ một bát tiết canh và đôi bầu dục lợn, ngỏ ý xin cụ câu đối. Cụ cho đôi câu chữ Hán:
Tứ thời bát tiết canh chung thuỷ
Ngạn liễu đôi bầu dục điểm trang.
Nghĩa là: Bốn mùa, tám tiết luôn trung thuỷ/Dặm liễu gò bồ còn muốn điểm trang. Cái độc đáo ở đây là: “bát tiết canh”, “đôi bầu dục” là tiếng Nôm bỗng thành Hán, nói lên được tình cảm của thiếu phụ đang độ hồi xuân mà vẫn thủ tiết thờ chồng, sống bằng nghề bán thịt lợn.
Câu này, Nguyễn Khuyến viết bằng chữ Hán cho người làm nghề mổ lợn khác:
Chớ đâu thâm tình, xuân kỷ thu trường hữu tiết
Gia đình tắc mục, phụ tử hiếu gia xương
Nghĩa là: đồ thờ sạch sẽ, xuân thu cúng tế có tiết độ. Gia đình hòa vui cha con hiền hiếu đều xương thịnh.
*Tú Xương có hai tiểu đối liên quan đến lợn để nói cảnh nghèo: Ai trói voi bỏ rọ/ Đời nào lợn cạo ngôi. Ở đây, chữ lợn khẳng định cảnh nghèo và “lợn cạo ngôi” có liên quan đến câu sấm ký dân gian khá phổ biến thời bấy giờ: “Bao giờ cho lợn cạo ngôi/Cho gà cất cánh, vua tôi sẽ về” ý nói về phong trào Cần Vương, chưa có sự thay đổi được số phận.
*Xưa chưa có xe cộ như bây giờ, khi mang lợn đi đâu người ta phải khiêng, có hai câu đối chỉ động tác này: tam thủ, nhất vĩ, lục nhản, lục nhỉ, tứ tục chỉ thiên, tứ túc chỉ địa. Nghĩa là: ba đầu, một đuôi, sáu mắt, sáu tai, bốn chân chỉ lên trời, bốn chân chỉ xuống đất.
*Câu đối về bánh chưng: Trong trắng ngoài xanh ở giữa trồng hành, thả lợn vào trong. Hoặc nhà xanh cái đỗ cũng xanh, ở giữa trồng hành, thả lợn rong chơi (chỉ các chất liệu làm nên cái bánh chưng).
Hoặc:
Ai cũng xương, cũng thịt, cũng da
Cùng tình gắn bó thiết tha chẳng rời
Ngày xuân em mới ra đời
Nồm trời em ghét, rét trời em ưa
Em đây là món thịt đông chuẩn bị cho bữa ăn ngày Tết.
Xưa kia chăn nuôi lạc hậu, có câu đố về con lợn rái: Người gầy guộc, mồm chao vao. Không biết duyên nợ làm sao. Lấy phải thằng chồng nhỏ?