|
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Cao Thị Ngọc Lan phát biểu tại Hội nghị
|
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Cao Thị Ngọc Lan, tổng lượng khách đến Du lịch Hà Nội trong năm 2008 ước đạt trên 9,2 triệu lượt người, tăng 2% so với kế hoạch đề ra; trong đó, khách nội địa ước đạt trên 7,9 triệu lượt người, tăng 4% so với kế hoạch, khách quốc tế ước đạt 1,3 triệu lượt người bằng với lượng khách quốc tế năm 2007 và đạt 91% kế hoạch đề ra.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội phân tích về tình hình khách năm 2008 cho thấy: thị trường châu Âu vẫn có sự tăng trưởng (thị phần chiếm 31%), trong đó tiêu biểu là các thị trường Pháp (tăng 14%), Đức (tăng 12%), Anh (tăng 3,2%). Thị trường khách Mỹ lại có sự suy giảm đáng kể (giảm 8%). Tuy đã được miễn visa nhưng thị trường khách Nhật Bản giảm 11% và Hàn Quốc giảm 18%. Nguyên nhân chủ yếu của sự suy giảm lượng khách này được lý giải là do khủng hoảng tài chính Mỹ đã diễn ra phức tạp. Thị trường Trung Quốc giảm 4%, nguyên nhân chủ yếu do sự kiện Trung Quốc đăng cai tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008. Một tín hiệu vui là thị trường khách ASEAN đến Hà Nội có sự tăng trưởng cao, tuy thị phần chỉ chiếm 13%, nhưng đây là thị trường ổn định, đặc biệt trong các thời điểm có sự biến động của nền kinh tế thế giới. Trong năm 2008, khách du lịch Thái Lan đến Hà Nội tăng 30%, Singapore tăng 18% so với năm 2007.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Chiến Thắng nêu rõ: một số thị trường khách du lịch sụt giảm trong thời gian gần đây do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu thì không có giải pháp nào có thể tăng lượng khách ngay nhưng đây có thể xem là thời cơ để các doanh nghiệp du lịch cùng với ngành Du lịch Hà Nội tìm ra những giải pháp phù hợp để thúc đẩy du lịch phát triển. Du khách có thể không đến Thái Lan do lo ngại những biến động mà muốn đến Việt Nam, đến Hà Nội - Thành phố vì hòa bình. Thứ trưởng Trần Chiến Thắng gợi ý Hà Nội cần xác định rõ những thị trường khách trọng điểm như Tây Âu, ASEAN… từ đó có chiến lược riêng khai thác từng thị trường phù hợp với các loại hình du lịch (MICE, nghỉ dưỡng, sinh thái …). Du lịch Hà Nội cần tập trung khai thác thế mạnh của Hà Nội mở rộng với các danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề đa dạng… và kết hợp với y tế để phát triển loại hình du lịch chữa bệnh…
Hội nghị đã được nghe một số ý kiến của các doanh nghiệp về những giải pháp thúc đẩy Du lịch Hà Nội trong tình hình hiện nay. Nhiều ý kiến thống nhất cần có đợt giảm giá tour, khuyến mại kích cầu thu hút du khách với tiêu chí đảm bảo chất lượng dịch vụ. Giám đốc Hanoi Tourist Phùng Quang Thắng cho rằng, để giảm giá tour, các doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm đều phải giảm giá, do đó, cần có một ban theo dõi và giám sát hoạt động này. Theo Phó Tổng Giám đốc Delthem Hồ Gươm Phạm Tiến Cử thì khủng hoảng kinh tế là liên quan đến “túi tiền” của người tiêu dùng, nên cần xây dựng các gói sản phẩm cho từng đối tượng khách có thể tập trung vào đối tượng khách trung lưu (ít ảnh hưởng do suy thoái kinh tế), hay gói sản phẩm giảm giá kích cầu cho những du khách muốn đi du lịch nhưng hơi khó khăn về kinh tế có thể đi du lịch với giá phù hợp.
Các doanh nghiệp du lịch đề nghị, thời gian giảm giá, kích cầu có thể kéo dài ít nhất là từ tháng 01 - 9/2009 kết hợp với quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước để thu hút khách.
Nhiều đại biểu quan ngại về nguồn nhân lực du lịch, nếu lượng khách sụt giảm, doanh nghiệp không đảm bảo được công việc và thu nhập thì lực lượng lao động sẽ chuyển sang ngành, nghề khác làm việc và khi lượng khách tăng dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Nhiều ý kiến cho rằng trước sự sụt giảm lượng khách do khủng hoảng kinh tế thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp du lịch cần nhìn lại chính mình, nên có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách; đồng thời, gắn kết với Hiệp hội Du lịch địa phương để ứng phó với khủng hoảng./.
NĐX