Tây Giang (Quảng Nam) - nằm trên đỉnh Trường Sơn, ngày xưa chưa có đường đi, người Cơtu xưa theo vết chân con nai mà xuống dưới đồng bằng đổi muối gùi về, từ đó hình thành con đường mòn có tên là con đường Muối nối với Hạ Lào.
Đến Tây Giang, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời bởi cảnh quan núi rừng xanh thẳm, với độ cao hơn 1.583m so với mực nước biển, Tây Giang có khí hậu trong lành, mát mẻ, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Tây Giang là điểm đến lý tưởng hứa hẹn cho những du khách muốn du lịch phượt, nghỉ mát, muốn cảm nhận thiên nhiên núi rừng nguyên sinh, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Rừng Pơ mu Tây Giang mới được huyện phát hiện năm 2011, là một rừng Pơ mu nguyên sinh duy nhất còn lại ở Việt Nam. Trên rừng còn có những cây Pơ mu trên ngàn năm tuổi.
Hơn thế nữa du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống mang hương vị núi rừng như: cơm lam, xôi sắn, gà nướng, cá nướng đậm đà mùi vị tiêu rừng, ngất ngây trong men rượu Tr’đin, Tà vạc, rượu cần… Những món truyền thống thường được bầy trên lá chuối tuy cũng có thể đựng vào bát đĩa hay mẹt. Rượu tr'đin, làm từ nước chích ra từ thân cây tr'đin (giống như cây đoác, cây báng, cây móc), thêm chút men là vỏ cây apăng (còn có tên là cây chuồn) sấy trên gác bếp, ủ ngay trong ống lồ ô trên thân cây. Rượu tr’đin rất nhẹ, giống vị rượu vang..
Vào những dịp lễ hội, phụ nữ Cơtu Tây Giang tham gia vào vũ điệu Ya - ya (người Tây Giang đọc là da'dă ): phụ nữ đứng thành vòng tròn quanh cây cột tế giữa làng, hai chân dạng ra, xòe rộng hai bàn tay dơ lên hứng trời để cầu mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu. Vũ điệu này thường được thêu trên thổ cẩm dệt váy của phụ nữ Cơtu.
Trong nhà Gươl (nhà làng, nơi sinh hoạt văn hóa của làng) Tây Giang, xương (và tượng gỗ) đầu trâu có ở nhiều vị trí, ngay cả ở bậu cửa ra vào. Cái bậu này cao đến 80cm, người vào phải bước (thường là trèo) qua đầu con trâu mới vào được nhà. Trên các xà ngang là các tượng gỗ rắn, rùa, cá,... Người Cơtu da trắng trẻo, phụ nữ có mái tóc đen dài, khác hẳn nhiều cộng đồng dân tộc khác có da đen tóc xoăn trên Trường Sơn - Tây Nguyên.
Các cụ ông Tây Giang thường hát lý để trao đổi với nhau hoặc để dạy dỗ con cháu tại nhà Gươl (nhà làng). Lý có làn điệu định sẵn, nhưng không có lời. Lời là do người hát tự ứng tác tại chỗ, không soạn sẵn. Những câu lý luôn xuất phát từ cái tâm người hát, là cái lý ở đời, nên người hát không thể nói xạo, không thể dùng hát lý để dè bỉu hay tâng bốc ai cả. Vì vậy chỉ có các vị cao niên đức cao vọng trọng trong làng mới được quyền hát lý khai tiệc.
Nguyễn Đình Hòe
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)