Những ngả lên trời
Nếu xuất phát từ huyện lỵ Sapa ở độ cao 1.600m so với mặt biển, có ba con đường lên đỉnh Fansipan. Thứ nhất, theo quốc lộ 4D đến đèo núi Xẻ (Ô Quy Hồ) cao 1.920m, rồi vòng ngược lại về phía Đông trên chặng đường dài gần 10km. Hướng này có thể đi và về trong thời gian hơn một ngày do đường đi hầu hết đã được xây lancan bêtông bảo hiểm. Hướng thứ hai qua bản Xín Chải và phải cật lực vượt nhiều dốc đứng, vực thẳm trong thời gian bốn ngày mới hy vọng lên tới “nóc nhà Đông Dương”. Tuy nhiên, hướng này không hấp dẫn bằng ngả đi qua thác Cát Cát là hướng thứ ba vì địa hình đa dạng, thảm thực vật lạ mắt, tầm nhìn rộng lớn khắp bốn bề.
Tôi đã chọn hướng làng Cát Cát nhưng khi xuống núi sẽ đi qua đèo núi Xẻ với tham vọng sẽ vượt qua sống lưng dãy núi Hoàng Liên Sơn, khám phá địa hình của cả hai phía: sườn Đông và sườn Tây đỉnh Fansipan, mặc dù trước đó không ít người, cả những người bạn làm điều hành, hướng dẫn du lịch tại Sapa, một mực khuyên nên chọn phương án đi và về tại Ô Quy Hồ để đảm bảo an toàn và vừa đỡ phải băng rừng vượt dốc.
Buổi chiều trước ngày leo núi, đứng trên núi Hàm Rồng, ngước mặt sang phía Tây, đỉnh Fansipan lúc ẩn lúc hiện sau đám mây bồng bềnh như ngạo nghễ, thách thức, nhìn xuống thung lũng Mường Hoa, dốc núi sáng rực trong sắc vàng ươm của nắng chiều.
Gần sáng, trời bắt đầu đổ mưa, mọi lo lắng đêm qua rồi cũng được xóa tan khi mọi người đã có mặt tại điểm hẹn. Đồng hành cùng tôi, ngoài anh Dì Văn Hòa là hướng dẫn viên chuyên leo núi Fansipan, còn thêm Mã A Lứ, chàng trai người Mông 24 tuổi từng trải qua ba năm khuân vác hành lý cho các đoàn khách đi điền dã.
Gian nan những chặng đường
Chúng tôi vượt dốc đứng đầu tiên. Mưa vẫn dai dẳng, gió giật liên hồi, đường phía trước lầy lội, trơn trượt, khiến bước chân của mọi người thêm trĩu nặng vì bùn đất. Gần đến khe núi thì được tin lối mòn hàng ngày vắt ngang con suối cạn đã bị nước lũ đầu nguồn đổ về tràn ngập. May thay nhờ người bản địa sống ở nương rẫy đã giăng dây hai bờ, nên chúng tôi có chỗ bám víu và ngâm mình dưới dòng nước buốt lạnh để lần mò từng buớc trên những gộp đá, thoát sang bìa rừng. Quần áo ướt đẫm nhưng không ai dám nghỉ chân bởi hơi lạnh từ những lớp áo sẽ làm cơ thể tê cứng, đau nhức như kim châm, ngoài ra còn gây ra chứng chuột rút cơ bắp bất cứ lúc nào.
Đường thu hẹp dần, đến lúc nó chỉ còn là lối nhỏ đủ cho một người qua lại khi men theo triền núi. Chẳng hiểu sao tôi vẫn đưa mắt nhìn xuống dưới, cảm giác rợn rợn sau sống lưng cũng đồng thời xuất hiện: tận cùng vực sâu thăm thẳm, dòng lũ màu đỏ quạch đang cuồn cuộn kéo phăng tất cả cây cối, đất đá xuôi về hướng thác ghềnh. Một vài khu vực bên ngọn đồi đối diện, đất bắt đầu sạt lở và nhanh chóng hòa tan trong cơn cuồng nộ của thủy thần.
Quá buổi trưa, chúng tôi dừng chân ăn nhẹ bên vạt rừng già phía Bắc dãy Fansipan. Lúc này chúng tôi đang ở độ cao 1.700m, nơi người dân tộc thiểu số chuyên trồng thảo quả. Được ví là “vàng nâu của đại ngàn Hoàng Liên ”, cây thảo quả có dáng như cây riềng, và sau mỗi vụ mùa, cây tiếp tục nảy mầm thành từng bụi. Vào độ tháng tư, tiết trời ấm áp, hoa thảo quả nở rộ, tỏa hương ngào ngạt. Qua tháng tám, tháng chín quả chín đỏ, người ta thu hoạch sấy khô để làm hương, dược liệu.
Lối mòn xuyên qua hàng loạt nương thảo quả như kéo dài bất tận giữa những cánh rừng pơmu nay bị tàn phá chỉ còn lại gốc cây mốc meo, xù xì. Ra khỏi rừng già, đường bây giờ chủ yếu men theo triền núi rất khó đi, hiểm trở, nhiều đoạn ẩm ướt bám đầy rêu xanh trơn trượt, mọi người phải níu rễ cây chằng chịt trên mặt đá để bước lên từng chút một. Ai cũng đã thấm mệt, tay chân như rã rời, hoạt động gần như vô thức, thiếu tự chủ. Đến gần chiều, chúng tôi mới đến dưới chân “dốc 400” thẳng đứng, có chiều cao khoảng 400m, vốn là ngọn thác cạn với cơ man đá tảng, đá hòn chồng chất. Đây còn được xem là “dốc thử thách” cho khách leo núi tự đánh giá sức lực mình trước khi quyết định nên hay không tiếp tục cuộc hành trình.
Vị trí hạ trại đêm đầu tiên của chúng tôi là bãi đất trống tương đối bằng phẳng trên độ cao 2.200m và nằm gần kề bên con suối. Trong khi Hòa đang dùng dao vạt cành lá cây trúc rừng lót dưới tấm bạt, làm nệm chuẩn bị dựng lều trại thì A Lứ đã đốt xong bếp lửa, sửa soạn nấu cơm chiều, còn tôi đi tìm củi. Không lâu sau, nồi cơm nóng sốt, cả chai rượu San Lùng được dọn ra.
Sáng sớm, trời còn mù sương Hòa đã “khua” chúng tôi thức dậy và báo tin: “Tối qua, tôi có điện thoại vô tuyến về trung tâm, đuợc tin sáng nay áp thấp nhiệt đới sẽ đổ vào khu vực Sapa nên mọi người nên đi sớm và cố gắng nhanh chân để bất cứ giá nào buổi chiều phải có mặt tại điểm hạ trại sau cao đỉnh 2.900m. Riêng A Lứ sẽ đi tiền trạm, sẵn sàng cơm nước trước khi mọi người gặp nhau tại đỉnh dốc 300”. Mưa bắt đầu rơi nặng hạt, sương mù giăng kín cả núi rừng.
Đường đi ngày càng cao, cho đến lúc vừa vòng qua phiến đá lô nhô ở eo núi, chúng tôi gặp ngay cánh rừng tùng la hán với kiểu dáng rất cổ quái. Mỗi cây mỗi dáng và toàn thân đều phủ dày rêu phong như một minh chứng sống động về sự tồn tại của nó hàng trăm năm qua.
Qua khỏi rừng tùng là nối tiếp rừng trúc xanh um phủ kín cả một vùng đồi núi rộng lớn. Có nơi con đường bỗng nhiên tối xầm vì khuất dưới những vòm cây dài hun hút. Nghĩ cũng lạ: ở Fansipan mỗi tầng cao chỉ quần tụ một loại cây, cây khác tuyệt nhiên không thể sinh sống.
Sau gần 1 giờ đu mình trên những tảng đá dốc 300, chúng tôi gặp A Lứ tại đỉnh dốc. A Lứ không thể nhóm bếp khi mưa gió liên miên bất tận, củi hoàn toàn ẩm ướt. Chúng tôi đành nhai mì gói và uống nước khe suối cho xong bữa .
Cao đỉnh 2.900m, cửa ải thứ ba đầy cam go sau hai con dốc 400 và 300 vốn là chóp núi nằm bên phải đỉnh Fansipan, nếu đứng từ Sapa nhìn lên. Dân hướng dẫn địa phương hay nhắc tới nó vì nhiều lý do: địa hình núi đá, xương xẩu, hiểm trở, nơi được xem là “túi gió” hứng chịu những nguồn gió từ nhiều phía thổi qua dãy núi Fansipan, cùng những đám sương mù dày đặc. Mặt khác, ở độ cao này chỉ duy nhất tồn tại loại cây trúc lùn hay trúc dầu, trúc phất trần, cao khoảng 40cm, thân trơ trụi, trên đầu ngọn có chút lá phất phơ.
Chúng tôi bắt đầu vượt đỉnh 2900m, 4 giờ chiều trời đã sẩm tối. Mây mù đến mức cách vài ba mét rất khó nhận dạng, đồng thời mưa rào, gió lạnh càng lúc càng thổi mạnh. Muốn đi được, chúng tôi phải gập người, dùng hai tay nắm chặt từng chùm cây làm điểm tựa, trườn lên.
Vậy là tôi đang ở giữa khu vực “túi gió” ngay lúc áp thấp nhiệt đới đổ về. Đáng sợ hơn là xung quanh, giờ đây chỉ thấy một màu xám xịt bao bọc, linh cảm báo tôi biết mình đang bị lạc đã khiến tôi lấy sức hú lên nhiều lần, hy vọng Hòa và A Lứ gần đó sẽ đáp lại. Nhưng vô ích bởi tiếng gọi của tôi lạc lõng đến thảm hại. Tôi dần dần bình tĩnh lại, lần theo những bụi trúc bị gãy vỡ, dấu vết hai người vừa đi qua mà trườn mình tiến tới. Thật lâu, đường núi bỗng xuống thấp và trong tiếng gió rít hú khủng khiếp, văng vẳng đâu đây tiếng tre nứa kẽo kẹt vọng về. Tôi thử gọi vài tiếng, rất may lần này được Hòa đáp lại. Cuối cùng, tôi cũng tìm đến cánh rừng toàn tre xanh, nơi Hòa và A Lứ đang vất vả với công việc căng bạt, che chắn khu hạ trại. Trước đó một cơn gió đã xé nát tấm bạt lớn mà đêm qua chúng tôi sử dụng làm nệm ngủ. Còn lều, túi ngủ tuy ướt sũng nhưng nhờ trời vẫn còn nguyên vẹn.
Nằm trong lều, lắng nghe ngoài kia cây lá xào xạc cùng tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái tôi vẫn chưa hết sợ khi nhớ lại giây phút lạc đường trong mưa bão vừa qua.
Từ tháng 9 đến tháng 3 là thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện chuyến leo núi, chưa kể tháng 2 và tháng 3 là mùa hoa nở khắp núi rừng. Ngoài ra, từ tháng 4 kéo dài đến tháng 8 hay gặp mưa rào và cháy rừng, nên phần đông hướng dẫn bản địa thường cương quyết từ chối tham gia. Đặc biệt ở cao đỉnh 2.900m, bất luận thời điểm nào, chẳng may gặp cháy rừng sẽ không có lối thoát vì rừng trúc lùn dễ bùng cháy lây lan nhanh, còn gặp mưa rào, gió lớn thì đành chịu trận, phó mặc cho trời đất.
|
Lên "Nóc nhà Đông Dương"
Sáng ngày thứ ba, chúng tôi xuống độ cao 2.600m rồi leo ngược lên đỉnh núi cao hơn. Lần lượt vượt qua nhiều cánh rừng toàn trúc xanh ngút ngàn, thêm vài dốc dứng và những con suối vắt ngang, bất ngờ phía trước mặt đã xuất hiện vách đá sừng sững. Rẽ sang bên phải là con đường nhỏ ven vách núi đang chìm đắm giữa đám mây mù. Bỗng nhiên Hòa và A Lứ dừng lại có ý nhường đường để tôi lên trước, một chút phân vân trong giây lát song tôi vẫn quyết định tiếp tục tiến bước bởi cảm nhận được hai người đồng hành muốn dành cho tôi một điều bất ngờ gì đó. Sau nhiều đoạn dừng chân lấy sức, tôi đặt chân đến đỉnh núi là khối đá khổng lồ, trần trụi nằm kề vực thẳm, trên mặt đá là lá cờ đỏ sao vàng đang bay phần phật cùng một hộp hình chóp nhọn bằng inox.
Ôi, đích thực đây là đỉnh Fansipan, nóc nhà của Đông Dương, nơi tôi từng ấp ủ, ước mong chinh phục sau nhiều năm chờ đợi. Ai đó đã nói “đi rồi cũng sẽ đến” thật đúng mặc dù cái giá mà tôi trả chẳng rẻ chút nào. Bây giờ là lúc tôi muốn ngồi một mình trên đỉnh, với chiếc điện thoại di động trong tay và truyền dòng tin: “Tôi đã có mặt tại Fansipan lúc 13g07” gửi đến người thân, bè bạn, gia đình. Chỉ giây lát thôi, tôi đã nhận được hàng loạt tin hồi đáp chúc mừng, số ít trách cứ sao không rủ đi chung cho có bè có bạn và hai tin nhắn vỏn vẹn ba từ: “Ông điên thật”.
Xuống núi
Những tưởng chặng đường về qua núi Xẻ, với chiều dài khoảng hơn 9km mà phần nhiều là xuống dốc, nếu đi nhanh đến đêm chắc chúng tôi sẽ có mặt tại Sapa. Nhưng chúng tôi đã lầm! Bởi dù đi như chạy, chúng tôi cũng chỉ đạt được nửa chặng đường mà trời đã gần tối, muốn đi tiếp phải tìm cách làm đuốc soi đường. Đành phải ngủ nhờ qua đêm trong lán trại của công nhân đang làm đường.
Hóa ra ngủ thêm một đêm ngoài ý muốn lại gặt hái bao điều bổ ích. Trước tiên là đi ngang hàng loạt con suối nước lấp xấp, lạnh buốt; kế tiếp là cánh rừng già bạt ngàn với vô số cây cổ thụ mà hầu hết là gõ đỏ, hồi lá mỏng xen lẫn cây đỗ quyên đang vào mùa nở hoa, đủ sắc màu đỏ, hồng, vàng và tỏa hương thơm khắp núi rừng. Nhiều người cho rằng hoa đỗ quyên là đặc sản của núi Hoàng Liên quả không sai, bằng chứng là Vườn quốc gia Hoàng Liên nhiều lần mang cây trồng thử ở Sapa nhưng chưa một lần thành công. Thời tiết, địa hình nơi đây cũng thật thú vị, trong khi bên sườn đông rừng già rậm rạp sũng nước mưa to, giá lạnh thì bên đây rừng thưa, gió nhẹ, nhiệt độ xấp xỉ 18oC.
11g30 chúng tôi có mặt ở cổng Vườn quốc gia Hoàng Liên trước sự ngỡ ngàng của mọi người công tác tại đây, điều này thật dễ hiểu vì họ không thể tin nổi chúng tôi dám bạo gan lên núi trong cơn áp thấp nhiệt đới.
Cuộc hành trình lên nóc nhà Đông Dương đã kết thúc, tôi kém may mắn khi không được ngồi trên đỉnh Fansipan ngắm nhìn mặt trời rực hồng bên những đám mây trắng tinh như bông như tuyết đang trải rộng dưới bầu trời xanh ngắt hay lang thang giữa những chùm mây lúc là đà, lúc cuồn cuộn để có cảm giác mình đang đằng vân giá vũ và còn nhiều điều tuyệt diệu nữa như nhiều người từng chinh phục Fansipan kể lại. Thế nhưng tôi vẫn tự an ủi rằng: gian khổ, bất trắc trên dãy núi thiêng liêng của Tổ quốc đã giúp tôi thể hiện được một điều mà bình thường khó có thể làm được, đó là vượt hơn chính mình.
Năm 1960, một đoàn chuyên gia Ba Lan, sau chuyến khảo sát địa chất, đã xây dựng trên đỉnh trụ hình kim tự tháp làm cột mốc. Đất nước thống nhất, ngành Du lịch bắt đầu mở mang và thời điểm năm 1984 được xem là sự kiện đáng nhớ đối với người làm du lịch tại cao nguyên Sapa khi đón đoàn vận động viên hỗn hợp Nga - Đức tổ chức cuộc thi chinh phục Fansipan. Nhằm kỷ niệm chuyến đi, người ta không quên để lại hộp hình chóp nhọn bằng kim loại, thay thế trụ bêtông bị hủy hoại theo thời gian, mưa nắng. Sự kiện ấy đã khởi đầu, làm tiền đề cho các tour khám phá, chinh phục Fansipan sau này. |
Trần Thế Dũng
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)