Bản Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sapa, Lào Cai. Những ngọn núi ẩn mình trong biển mây, những ngôi nhà sàn lấp ló trong làn khói lam chiều như tô điểm cho bức tranh vùng cao thêm phần ấn tượng. Nơi đây vẫn giữ vẹn nguyên vẻ đẹp bình yên của một bản làng cổ xưa và là nơi sinh sống của người dân tộc Mông. Tên gọi “Cát Cát” bắt nguồn từ tên một thác nước rất đẹp - thác Cát Cát hay còn gọi là thác Tiên Sa. Bản Cát Cát với những nóc nhà nhỏ xinh thấp thoáng bên những vườn hoa cải, hoa mận, hoa đào, giữa thung lũng bốn bề núi dựng đã trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách đến khám phá đời sống của bà con vùng cao.
Đi dọc theo con đường nhỏ dẫn vào bản Cát Cát, hai bên đường là những luống rau xanh non mơn mởn, thỉnh thoảng giữa những vạt rau xanh ấy, những khóm hoa dại lại chen nhau mọc lên gợi cảm giác rất yên bình. Bạn sẽ bắt gặp các em bé vùng cao ngây thơ với ánh mắt trong ngần nô đùa bên những liếp nhà đơn sơ. Chẳng có nhiều đồ chơi đẹp như trẻ em ở thành phố, trẻ em bản Cát Cát đã tự chế ra những thứ đồ chơi vô cùng đặc biệt. Chỉ cần một chiếc lốp xe và vài thanh củi đánh qua đánh lại, hay bập bênh bằng thanh gỗ, thế mà có thể tạo ra những tiếng cười lanh lảnh, vô tư đến lạ.
Những chú lợn đen nhẩn nha kiếm ăn ven đường, một vài cánh bướm bay vờn trên sắc hoa, cảnh làng quê yên bình hiện lên với những mái nhà chấm phá trên những thửa ruộng bậc thang. Bản Cát Cát là một trong những ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc với những dòng suối trong mát, những thác nước bọt tung trắng xóa. Khách du lịch đến nơi đây có thể tạm gác mọi lo âu cuộc sống để tận hưởng không khí cực kỳ trong lành. Bạn đừng quên tham quan thác Cát Cát, ngắm nhìn những vòng xe nước, nét đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, thưởng thức những điệu nhảy truyền thống của người Mông, ngắm nhìn trẻ con nô đùa trên bè gỗ và thưởng thức những món thịt gác bếp bên cảnh vật êm đềm nên thơ để cùng lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp trong hành trình khám phá. Với tôi, thú vị nhất là khi được tham quan những ngôi nhà trình tường truyền thống của người Mông. Đây là một nét văn hóa hết sức độc đáo của đồng bào Tây Bắc. Nhà trình tường giúp giữ ấm vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, rất thích hợp với thời tiết khắc nghiệt vùng núi cao, đồng thời lại tránh được thú dữ.
Đi qua cây cầu Si là tới trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của 3 dòng suối ngày đêm rì rào, đó là suối Vàng, suối Bạc và suối Tiên Sa cùng ngọn thác Cát Cát tung bọt trắng xóa, hàng ngày thu hút rất đông du khách gần xa tìm đến tham quan.
Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, núi rừng thênh thang, thơ mộng, Cát Cát còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông. Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển thêm nghề thủ công truyền thống như nghề se lanh dệt vải, nghề chạm bạc truyền thống, đan gùi và rèn nông cụ. Đến đây, du khách sẽ được tham quan gian trưng bày và bán sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, những sản phẩm tinh xảo, độc đáo được tạo ra bởi bàn tay con người khéo léo nơi đây không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét đặc trưng truyền thống của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Dọc hai bên đường vào bản có rất nhiều cửa hàng bán thổ cẩm vẽ tranh bằng sáp ong, mặt nạ xơ dừa.
Đến Cát Cát, du khách có cơ hội tìm hiểu quy trình dệt vải lâu đời của người Mông. Nghề dệt thổ cẩm nơi đây còn được bảo lưu rất tốt như việc dệt thổ cẩm nhiều màu sắc, dệt hoa văn mô phỏng cây, lá, hoa và muông thú, hoa văn góc cạnh… Người Mông có kỹ thuật nhuộm chàm khá tinh xảo bằng cách lăn vải với khúc gỗ tròn trên phiến đá phẳng có bôi sáp ong. Ngoài ra, nghề chạm trổ bạc truyền thống cũng là nét đặc sắc của đồng bào nơi này. Các sản phẩm chạm bạc, đồng, nhôm ở Cát Cát rất phong phú và được du khách rất ưa chuộng. Du khách nên đi bộ thong dong để thỏa sức khám phá hết nét đặc sắc của bản Cát Cát.
Cát Cát ngày nay đã bắt nhịp với sự phát triển của đất nước và xu hướng phát triển du lịch. Những người dân vốn thật thà, chân chất như những nhánh cây rừng giờ đây cũng đã biết sử dụng tiếng Anh giao tiếp với khách nước ngoài. Các cửa hàng tại bản Cát Cát hầu như đều trang bị wifi miễn phí để phục vụ khách du lịch.
PV