Nhân dân cả nước tiễn đưa Đại tướng
Tại Nhà tang lễ quốc gia, lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cử hành trọng thể lúc 7h00 sáng. Trong điếu văn tiễn đưa vị tướng huyền thoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Lễ tang Nhà nước đã điểm lại quá trình hoạt động và những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Cách mạng Việt Nam. Điếu văn nêu rõ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "Vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.
![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/Quoctang01.jpg)
Người dân, học sinh mang theo di ảnh chờ ngóng tiễn biệt Đại tướng lần cuối cùng. Ảnh: Trang Lê
![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/Quoctang08.jpg)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Lê Hồng Anh rước linh cữu Đại tướng ra linh xa. Ảnh: ST
Cũng bắt đầu 7h00 ngày 13/10, tại Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương đã tổ chức lễ truy điệu trọng thể Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua màn hình tiếp sóng trực tiếp lễ truy điệu diễn ra tại Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân. |
Thay mặt gia đình, con trai cả của Đại tướng - ông Võ Điện Biên cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, quân đội cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước "đã tạo mọi điều kiện để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của ba chúng tôi là trở về quê hương". Đồng thời, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của những anh hùng liệt sĩ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng Đại tướng trong cuộc trường chinh và cho tới giờ phút cuối cùng. "Đại tướng cả đời vì nước vì dân và lúc mất đi, chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng".
Khoảng 7h30, xe đưa đoàn chở linh cữu Đại tướng đi qua các tuyến phố của thủ đô lần cuối cùng, trên lộ trình từ nhà Tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) - Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Độc Lập - Hoàng Văn Thụ - Hoàng Diệu. Đoàn xe dừng lại trước nhà Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu. Xe tiêu binh rước di ảnh ông vào nhà, theo sau là gia quyến. Các thành viên của gia đình thực hiện nghi lễ tâm linh trước khi đưa Đại tướng tiếp tục hành trình cuối cùng của mình. Trong khi đó, hàng trăm người dân quỳ trên đường Hoàng Diệu khóc nức nở tiếc thương Người.
![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/Quoctang04-w.jpg)
Nhân dân đổ ra tuyến phố Hoàng Diệu - Trần Phú tiễn biệt Đại tướng. Ảnh: Anh Tú
Từ 30 Hoàng Diệu, linh cữu Đại tướng tiếp tục được đưa rước qua các tuyến phố Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng - Thăng Long đến sân bay Nội Bài. Trải dài trên con đường dài 50km nơi linh cữu Đại tướng đi qua, từ nhà tang lễ đến sân bay Nội Bài hàng chục vạn người dân từ khắp nơi đã có mặt ngay từ 5h sáng, mang theo hoa và di ảnh Đại tướng. Trên từng gương mặt từ cụ già đến các em thơ, ai cũng mong ngóng giây phút được chào tiễn biệt Đại tướng lần cuối trước khi Người trở về đất mẹ. Khi đoàn xe đến, không ai bảo ai, hai bên đường, mọi người đều đồng loạt nghiêng mình tiễn biệt vị Đại tướng của nhân dân. Bao nhiêu nước mắt tiếc thương của người dân đã rơi trên mỗi tuyến đường nơi Đại tướng đi qua lần cuối trước khi trở về với đất mẹ Quảng Bình. 59 năm sau ngày hân hoan đón Đại tướng cùng đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô, Hà Nội rơi nước mắt tiễn ông ra đi - chuyến đi đến cõi vĩnh hằng.
![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/Quoctang03-w.jpg)
Linh xa chở linh cữu Đại tướng qua tuyến phố Cầu Giấy - Xuân Thủy trong sự tiếc thương của hàng nghìn người dân. Ảnh: Trang Lê
Video: Nhân dân tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trong hai ngày. Trước lễ truy điệu 13/10, người dân khắp nơi và bạn bè quốc tế đã có một ngày đến viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội và nhiều ngày trước đó đến tưởng niệm ông tại nhà số 30 Hoàng Diệu. Bên cạnh đó, tại nhiều điểm khác tại các địa phương trải dài từ Bắc chí Nam trên khắp dải đất hình chữ S đồng thời tổ chức lễ viếng và tưởng niệm vị Đại tướng của nhân dân.
Ước tính trong ngày 12/10 đã có hàng trăm nghìn lượt người đến viếng Đại tướng tại Hà Nội, Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh. Riêng tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, hàng chục nghìn lượt người đã tới viếng, Ban Tổ chức quyết định tiếp tục phục vụ tới 24h, dài hơn 3 tiếng so với kế hoạch. Khi cánh cổng khép lại, hàng nghìn người dân vẫn lưu luyến bên ngoài nhà tang lễ và nán lại lâu hơn trên đường phố trong niềm tiếc thương. Không chỉ thế, những kiều bào Việt Nam đang sống và làm việc trên toàn cầu cũng đều hướng về Hà Nội, kính cẩn nghiêng mình đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng. |
Quảng Bình thổn thức đón Người về với đất mẹ
Chiếc chuyên cơ ATR 72 mang số hiệu VN103 (lấy theo tuổi thọ của Đại tướng) cất cánh vào lúc 10h30, đưa Đại tướng vĩnh viễn rời xa Hà Nội - mảnh đất ông đã gắn bó hơn nửa đời người, để về với quê hương Quảng Bình vào lúc 11h50. Khoảng 12h30, linh xa cùng đoàn xe tang lễ rước linh cữu rời sân bay Đồng Hới hướng về Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi an nghỉ cuối cùng theo di nguyện của Đại tướng.
![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/Quoctang07.jpg)
Thanh niên Quảng Bình ôm di ảnh chờ đón Đại tướng từ Thủ đô về với quê hương. Ảnh: Hải Ninh
Tại Quảng Bình, trong cái nắng miền Trung gió cát, hàng trăm nghìn người dân ra đường chờ đón Đại tướng trở về với quê hương. Đoàn xe tiêu binh chở linh cữu Đại tướng lăn bánh chầm chậm hướng Vũng Chùa - Đảo Yến trong tình cảm lưu luyến tiếc thương của dòng người hai bên đường tiễn biệt. Đoàn rước linh cữu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua các địa điểm như xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hơi), các xã Nhân Trạch, Đồng Trạch, Bắc Trạch… (huyện Bố Trạch); các xã Quảng Thọ, Quảng Thuận, Quảng Xuân… (huyện Quảng Trạch) để đến Vũng Chùa - Đảo Yến. Tại những đoạn đường mà đoàn linh xa đi qua, người dân Quảng Bình chạy với theo Đại tướng, nhiều người mang vòng hoa, di ảnh của Người, nhiều giọt nước mắt đã rơi. Dù chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 10 vừa qua, nhưng những người dân đất Quảng nơi đây vẫn gác nỗi niềm riêng, hòa cùng tâm trạng tiếc thương, tiễn đưa người con ưu tú của quê hương Quảng Bình trong những bước đường cuối cùng về với đất mẹ vĩnh hằng.
![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/Quoctang06.jpg)
Linh xa trên đường di chuyển tới Vũng Chùa - Đảo Yến. Ảnh: Hải Ninh
Vào 16h00, Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu được cử hành tại Vũng Chùa - Đảo Yến trong một biển người dân phủ kín, đứng lặng yên, nhiều người nâng cao di ảnh Đại tướng trong niềm xúc động.
Mở đầu nghi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Ban Tổ chức tang lễ phát biểu tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau các nghi lễ an táng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là người bỏ nắm đất đầu tiên lên phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếp sau đó, từng nắm đất nhỏ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến thả xuống mộ thay lời tiễn biệt Đại tướng, đất mẹ mãi ôm trọn người con kiệt xuất vào lòng. Những chiến sỹ áo xanh chuyền tay nhau những rổ đất vun đắp phần mộ Đại tướng. Vòng hoa dần được đắp lên phần mộ; xung quanh cũng phủ kín sắc hoa cúc vàng của người dân tưởng niệm Đại tướng. Đến 17h00, phần mộ Đại tướng được hoàn tất, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng gia quyến và hàng trăm nghìn đồng bào, chiến sỹ đang có mặt ở Vũng Chùa cúi đầu mặc niệm tiễn biệt Đại tướng.
![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/Quoctang05.jpg)
Tại lễ an táng, biển người dân đứng lặng yên bên cạnh Đại tướng cho đến những giây phút cuối cùng Người trở về với đất mẹ. Ảnh: Hải Ninh
Vĩnh biệt Người, vị Đại tướng của nhân dân! Hàng triệu người dân Việt Nam đã rơi nước mắt. Việt Nam đã có một tang lễ của nhân dân - khi mà muôn triệu trái tim đồng bào tự động xích lại gần nhau, với cùng một tấm lòng chia sẻ niềm thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thiên tài quân sự và nhân cách lớn của Đại tướng vẫn sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc và sống mãi trong lòng mọi thế hệ người dân Việt Nam.
Hạ Tinh