![](/FileManager/uploads/images/Nam2013/10-2013/2(1).jpg)
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện thật hào sảng trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa..."
Có đến hàng trăm cuốn sách viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả ở trong nước và nước ngoài. Các cuốn sách một lần nữa khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một đại tướng huyền thoại trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Trong số này, đáng chú ý là các cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thế kỷ - hai cuộc trường chinh”, được NXB Kim Đồng phát hành năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của huyền thoại. Trong số gần 300 bức ảnh được công bố, có rất nhiều tư liệu ảnh mới.
Cuốn sách của các học giả Pháp "Nguyên Giáp - một cuộc đời” được nhà sử học người Pháp Alain Ruscio cho ra mắt năm 2011, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại các cuộc trò chuyện giữa ông Alain Ruscio và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt hơn 30 năm, từ đó cung cấp những thông tin thú vị về cuộc đời của vị anh hùng dân tộc Việt Nam - từ khi là giáo viên lịch sử, cho tới khi trở thành “nhà thực tiễn cách mạng chống đế quốc Mỹ”.
Nhà sử học người Pháp Georges Boudarel cũng khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tập sách "Võ Nguyên Giáp" (nguyên bản tiếng Pháp là "Giap"). Cuốn sách đã dựng lại bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lúc còn là một cậu bé, cho tới khi trở thành vị chỉ huy của quân đội Việt Nam trong sự tham chiếu, so sánh giữa nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Chân dung vị Đại tướng hiện lên vừa là một nhân vật của lịch sử nhưng chính bản thân ông cũng lại là một người viết nên lịch sử.
Trong số các nhà nhiếp ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải kể đến Đại tá - Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng (Báo Quân đội nhân dân). Hơn 20 năm chụp ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà nhiếp ảnh Trần Hồng có hàng nghìn tấm ảnh có giá trị về Đại tướng. Theo Đại tá Trần Hồng, "ở góc độ nào ông cũng thể hiện phẩm chất sáng ngời của một vị Đại tướng gần dân. Về Quảng Bình, ông là lão nông và ông xuống dòng Kiến Giang quê hương cũng như một ngư dân, lên Điện Biên thì ông như một người dân tộc thực thụ". Nhà nhiếp ảnh Trần Hồng đã thực hiện nhiều triển lãm ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội và Quảng Bình - quê hương của Đại tướng.
Nhà báo - Nhà nhiếp ảnh Việt Văn (Báo Lao động) đã thực hiện một dự án khá công phu "Tướng trận thời bình" để nói về cuộc đời của các tướng lĩnh Việt Nam. Nhà báo Việt Văn kể lại, lần đầu tiên (cũng là duy nhất) anh có may mắn gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được báo phân công đi chụp Đại tướng nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5/2009). Sau khi chụp ảnh các đoàn đại biểu tới thăm và chúc sức khoẻ Đại tướng, anh đã nán lại và chụp được bức ảnh Đại tướng thoáng chút suy tư. Bức ảnh này sau triển lãm ở nhiều nước ở Mỹ, Anh. Chính lần tới chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khơi gợi trong anh ý tưởng thực hiện dự án chụp ảnh "Tướng trận thời bình".
Trong lĩnh vực điện ảnh, có rất nhiều bộ phim tài liệu xúc động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do các đạo diễn điện ảnh trong nước và nước ngoài thực hiện. Đáng chú ý là bộ phim "Trận chiến giữa hổ và voi" do đạo diễn người Pháp - Daniel Roussel được Đài Truyền hình Việt Nam mua bản quyền và phát sóng nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bộ phim không chỉ nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một con người với một nhãn quan quân sự tuyệt vời, một sự dũng cảm hiếm có trước những trách nhiệm chính trị nặng nề mà còn khắc họa về chân dung một con người bình dị, dễ gần và đặc biệt hài hước. Bên cạnh đó, tác phẩm còn tái hiện những diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nơi quân và dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm và giành thắng lợi trước thực dân Pháp xâm lược.
Đạo diễn Hà Bắc đã tiên phong trong việc làm phim 3D về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bộ phim Quyết định lịch sử chỉ dài 20 phút, nhưng để có được 20 phút quý giá đó, đạo diễn Hà Bắc đã phải dồn tâm sức trong hai năm trời. Đạo diễn Bắc Hà hy vọng những bộ phim hoạt hình từ tư liệu lịch sử là một con đường tốt dẫn trẻ em đến với lịch sử dân tộc.
Trong số các tác phẩm âm nhạc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải kể đến hợp xướng đầu tiên ngợi ca tướng Giáp có tên “Có một khu rừng như thế” do nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác lấy cảm hứng từ khu “Rừng Đại tướng” ở Mường Phăng. Đây là một trong những tác phẩm hợp xướng quy mô đầu tiên đã được nhạc sĩ Doãn Nho giành cả tình yêu mến, lòng kính trọng gửi tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hợp xướng “Có một khu rừng như thế” với giai điệu và ca từ đằm thắm, trìu mến và có cả sự kính trọng của tác giả cũng như của nhân dân đối với Đại tướng: “Lòng yêu thương cất lên tiếng hát/Về một con người lấp lánh hào quang/Suốt cả đời mình gắn liền trận mạc/Vẫn giữ một niềm mang ơn nhân dân…”
Xuyên suốt bài hát là hình tượng “người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” bình dị, gần gũi với nhân dân, quý trọng những người lính, anh em đồng đội: “Vị tư lệnh tối cao quý từng giọt máu đào người lính/Nên suốt đời được gọi “Anh Văn”…
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã được các hoạ sĩ thể hiện trong rất nhiều tác phẩm hội họa. Song độc đáo hơn cả là các bức tranh cát do nghệ nhân Ý Lan thể hiện. Bà đã thực hiện 30 bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch và 23 bức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bằng nỗ lực, sự tỉ mỉ, khéo léo và tấm lòng kính yêu đối với Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghệ nhân Ý Lan cùng các cộng sự đã dành nhiều tháng trời làm nên những bức tranh cát sinh động này.
Dù các nghệ sĩ lao động nghệ thuật ở lĩnh vực nào và dù họ là người Việt Nam hay nước ngoài, thì điểm chung của họ là khi được khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì trong họ luôn luôn dâng trào niềm tự hào, kính trọng vô bờ về một Đại tướng suốt đời vì nước, vì dân./.
Mai Hồng