Chưa đầy 1 giờ xe chạy, đoàn đã tới điểm đến đầu tiên của Ulsan – Ganjeolgot, nơi đón những tia nắng mặt trời đầu tiên trên toàn bộ lục địa phía Đông Bắc Á. Chúng tôi lập tức bị cuốn hút bởi phong cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc.
Thơ mộng và yên bình. Hàng thông reo vi vu trong nắng vàng dịu nhẹ, những thảm hoa đủ sắc màu rực rỡ tôn lên sự nổi bật của một chiếc quạt gió khổng lồ trong khuôn viên rộng lớn. Thong thả dạo bước trên con đường đi bộ được làm bằng gỗ men theo bờ biển, hít căng phổi những làn gió tinh khiết mơn man để tới ngọn hải đăng màu trắng nằm trên đỉnh đồi, phía dưới là hòm thư khổng lồ mà bất cứ du khách nào cũng có thể bước vào để khám phá.
Ulsan đưa chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác, đó là làng nghề truyền thống lớn nhất Hàn Quốc – làng gốm Onggi với những nghệ nhân tài hoa đã tạo ra các sản phẩm bằng đất nung nổi tiếng.
Là công viên Daewangam thơ mộng bên bờ biển với muôn loài hoa khoe sắc suốt 4 mùa. Là ngôi làng cá voi nổi tiếng với “làng cổ Jangsangpo”, “công viên tượng đài cá voi”, “quảng trường cá voi”, “vườn trải nghiệm cá voi tiền sử”…, tới đây du khách sẽ biết rõ hơn vì sao biểu tượng của thành phố Ulsan là cá voi.
Khu bảo tồn làng cổ được thiết kế từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước đưa du khách trở lại với không gian cổ xưa. Tại đây, có thể tìm hiểu nghề săn bắt cá voi – một nét đặc sắc của người dân địa phương, lịch sử phát triển hàng ngàn năm của cư dân cũng gắn liền với nghề này. Chủ đề cá voi không chỉ ở Jangsangpo Whale Museum, mà ở khắp mọi nơi trong thành phố từ tấm biển chỉ dẫn, chiếc ghế ven biển…
Một trong số những điểm “phải đến” khi tới Ulsan là chùa Bulguksa (Phật quốc tự - được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995), nằm ở Gyeongju (thuộc GyeongsangbukDo).
GyeongsangbukDo (gọi tắt là Gyeongbuk) là tỉnh lớn nhất Hàn Quốc với diện tích 19.029km2, bờ biển dài 335km, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Gyeongbuk là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa Hàn Quốc và văn hóa Nho giáo, là nơi tập trung nhiều ngôi làng cổ với các lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có thành phố Gyeongju - thủ phủ của triều đại Silla ngàn năm được mệnh danh là “bảo tàng không mái”. Nơi đây còn có nhiều di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
|
Từng đặt chân đến nhiều thánh tích Phật giáo trên thế giới như Shangrila, Tibet…, nhưng với quần thể di tích Bulguksa, tôi có sự cảm nhận rất riêng, đó là chốn cổ tự tôn nghiêm song không tĩnh mịch u hoài, mà là vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của thanh sơn thủy tú, đưa du khách tìm về chốn bình yên.
Theo tài liệu giới thiệu, Bulguksa được xây dựng vào thời kỳ đầu triều đại Silla, triều đại hưng thịnh của Phật giáo Hàn Quốc. Hoàng hậu Beopheung của Vương triều Silla đã phát nguyện xây chùa để cầu cho sự thịnh vượng, bình yên của vương quốc mình vào năm 528. Ngôi chùa xây dựng với kiến trúc hết sức độc đáo. Toàn bộ nền móng được xếp bằng nhiều phiến đá đủ kích cỡ, bên trên là các dãy nhà bằng gỗ lộng lẫy, tô điểm bằng các họa tiết hoa sen, trời mây, chim thú với sắc màu rực rỡ.
Nơi đây hiện lưu giữ 7 bảo vật quốc gia, gồm tháp đá Dabotap - Đa Bảo tháp; tháp đá Seokgatap - Thích già tháp; đôi cầu Liên Hoa và Thất Bảo; đôi cầu Thanh Vân và Bạch Vân; tượng Phật thiền định; tượng phật A di đà và tháp xá lợi có hình dáng như một chiếc đèn lồng bằng đá. Mặt phía trước chùa là hai cầu thang đá dẫn đến hai điện thờ chính. Một điện thờ Đức Thích Ca Mâu Ni, điện kia thờ Đức A Di Đà. Theo quan niệm người Silla, Đức Thích Ca Mâu Ni là vị Phật có công giác ngộ con người, đưa đến đường của Phật. Còn Đức A Di Đà trông coi cõi cực lạc. Con người tu đắc đạo sẽ được về với cõi này.
Thời kỳ này, Phật giáo có ảnh hưởng to lớn đến đời sống văn hóa, chính trị và tâm linh người Silla. Tầng lớp tăng lữ được xếp vào bậc cao nhất của xã hội, ngang hàng với vua và hoàng tộc. Chính vì vậy, Bulguksa được thiết kế tòa ngang dãy dọc như một cung điện. Không chỉ tự hào về ngôi chùa cổ Bulguksa, Gyeongju còn có 2 di sản văn hóa thế giới khác được UNESCO công nhận là hang Phật Seokguram và Làng cổ Hahoe. Gyeongju cũng chính là nơi yên nghỉ của các vị vua, nằm ngay giữa lòng thành phố.
Thật may mắn và cũng là cơ duyên, chúng tôi được thưởng lãm sự lung linh huyền ảo của Donggung Palace và Wolji Pond (Đông cung và Nguyệt chi) vào buổi tối, như cảm nhận lời nhắn nhủ của cố nhân qua những tuyệt tác của kiến trúc, sự huyền bí của công trình diệu kỳ này…
Viễn Nguyệt
Tạp chí Du lich 6/2018