Busan có nhiều nét đẹp, trong đó tiêu biểu là phim ảnh. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng người dân Busan mà có lẽ là của cả Hàn Quốc. Chúng tôi cảm nhận được điều này trong lúc tham quan Busan Cinema Center, qua cách giới thiệu đầy say mê của nhân viên tại đây. Một quần thể kiến trúc cực kỳ hiện đại với rạp phim có mái che lớn nhất thế giới, gồm ba tòa nhà: Cinemountain, BIFF Hill và Double Cone, có sức chứa hàng nghìn khán giả. Busan Cinema Center xứng đáng là điểm nhấn của Busan – điểm phải ghé thăm khi tới Busan. Không chỉ tổ chức liên hoan phim quốc tế Busan hàng năm, thành phố này cũng là bối cảnh quay nhiều bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc cũng như thế giới.
Thế mạnh du lịch của Busan xinh đẹp còn ở những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế cao cấp; du lịch MICE với trung tâm hội nghị - triển lãm BEXCO có tổng diện tích hơn 46.000m2, sở hữu một cơ sở hạ tầng thuộc hàng hiện đại nhất tại Hàn Quốc, với khu vực triển lãm rộng lớn, khu vực hội nghị quốc tế có sức chứa 7.200 người và hội trường với 4.000 chỗ ngồi. Không thể không nhắc đến bãi biển Haeundae đẹp nhất Hàn Quốc mà bất cứ du khách nào cũng muốn có một tấm ảnh check in khi đến đây…
Dù phát triển mạnh mẽ về kinh tế, công nghiệp nhưng điều ghi nhận ở Hàn Quốc là sự hài hòa những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời, kế thừa và phát huy những giá trị cổ truyền gắn với phát triển du lịch. Điều này được thể hiện rõ khi chúng tôi khi đến thăm làng văn hóa Gamcheon.
Những ngôi nhà xinh xắn đủ màu sắc nằm xếp lớp trên triền đồi thoai thoải, mặt hướng ra phía biển, nắng vàng trải thảm như tô điểm thêm cho sắc hoa anh đào đang đua nhau khoe sắc. Bình yên và đẹp đến nao lòng.
Thấy tôi mải mê chụp ảnh, anh Oh Sin Seok, người phụ trách hướng dẫn đoàn bảo, “đừng quá tập trung vào ảnh, phải nghe thuyết minh mới cảm nhận hết được ý nghĩa của từng ngôi nhà, từng con ngõ, mỗi bức bích họa nơi đây”.
Ở Việt Nam, tôi đã có dịp đến thăm làng bích họa Tam Thanh (Quảng Nam), hay con phố Phùng Hưng ngay Hà Nội, từng mê mẩn bởi những bức tranh do các họa sỹ Hàn Quốc thể hiện, khắc họa cuộc sống thường nhật của người dân làng chài ven biển, hoặc phong cảnh phố phường Hà thành từ thế kỷ trước. Và ở Gamcheon, những hình vẽ, họa tiết, sắc màu, bố cục được thể hiện như một câu chuyện đưa du khách đến với không gian sống động, cuốn hút.
Diện tích của Gamcheon không lớn, song cũng phải mất khá nhiều thời gian mới có thể khám phá hết; những con đường nhỏ xíu, những bậc cầu thang cũng chỉ vừa đủ chỗ cho một người đi lại sẽ đưa du khách đến với vô vàn câu chuyện hấp dẫn, những điểm view cuốn hút đến nỗi các tay máy mê mải quên thời gian, những bức bích họa nhiều tầng ý nghĩa được tạo nên bởi bàn tay của hàng trăm nghệ sĩ… Tất cả kết hợp lại tạo thành một không gian đặc sắc, lôi cuốn vô cùng.
Gamcheon trước đây chỉ là một ngôi làng bình thường như bao ngôi làng khác. Nhằm biến nơi này trở thành một điểm du lịch, năm 2009, Hàn Quốc đã đầu tư một dự án nghệ thuật cải tạo lại ngôi làng, quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, họa sĩ và sinh viên ngành mỹ thuật trang trí lại Gamcheon. Nhờ đó, Gamcheon có diện mạo như ngày nay và thành một điểm đến không thể bỏ qua khi đến Busan.
Một không gian văn hóa nhiều màu sắc, đẹp đến ngỡ ngàng, những bức họa giàu nghệ thuật được vẽ trên tường và mái nhà; hay các tác phẩm điêu khắc mang hình hài dễ thương, sinh động, mỗi một tác phẩm được sơn vẽ trên những ngôi nhà đều mang một câu chuyện riêng.
Sự sáng tạo vô tận của các nghệ sĩ còn nằm ở việc biến những món đồ rất bình thường trở nên sinh động, cuốn hút. Đến đây, nhất định không được bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh với bức tượng Hoàng tử Bé nổi tiếng.
Những quán café, đồ uống xinh xắn với những hình vẽ khá kỳ dị nằm ở mỗi góc phố cũng độc đáo không kém, không gì thú vị bằng việc vừa nhâm nhi một ly café nóng vừa thả hồn vào những tác phẩm nghệ thuật muôn màu muôn vẻ - cảm giác như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác – thế giới của những giấc mơ cổ tích ngọt dịu và êm đềm nhất. Gamcheon còn có rất nhiều hàng quán, quầy bán đồ lưu niệm, phòng trưng bày nghệ thuật để phục vụ du khách đến tham quan…
(Còn nữa)
Viễn Nguyệt
Tạp chí Du lịch 6/2018