Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên nhân làm cá chết ở Hồ Tây vẫn chưa được xác định chính xác và chưa có đủ cơ sở để kết luận, nhưng thành phố đang chỉ đạo tập trung điều tra để xác định cụ thể, từ đó có các biện pháp để khắc phục và phòng ngừa.
Để xảy ra tình trạng này là do công tác quản lý còn chưa tốt; thành phố quyết tâm không để tình trạng này tái diễn, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết Hồ Tây được đầu tư hệ thống gom nước thải từ nhiều năm nay. Các cấp chính quyền từ thành phố đến quận, xã phải rà soát, bảo vệ môi trường, ngăn chặn tình trạng các hộ sản xuất, kinh doanh xả nước thải ra hồ. Thành phố cũng cần đầu tư hệ thống quan trắc nước để theo dõi đồng thời rà soát, kiểm tra lại tất cả hệ thống nước thải để có biện pháp kịp thời.
Trong thời gian tới, thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ xử lý nước thải từ 22% lên 40-50%. Việc khởi công dự án xử lý nước thải Yên Xá diễn ra trong tuần này cũng góp phần để đạt được mục tiêu trên.
Thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường ở những vùng đặc biệt quan tâm như cải cải tạo nước ở 17 hồ, đầu tư trạm xử lý nước thải thượng lưu sông Tô Lịch; đầu tư các dự án chống ngập đô thị, như dự án thoát nước giai đoạn 2, trạm bơm Yên Nghĩa...
Về thông tin ô nhiễm không khí trong thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết hiện chưa thể có số liệu chính xác vì không khí ô nhiễm tùy từng thời điểm, từng vùng.
Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị chức năng cần vào cuộc để xác định mức độ. Tuy nhiên, theo đánh giá, ô nhiễm bụi và ô nhiễm benzen chiếm tỷ lệ lớn nhất (chiếm 70%), trong khi đó công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 30%. Vì vậy, song song với việc hút bụi, vệ sinh môi trường, thành phố cần thực hiện hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.../.
Nguồn: TTXVN