Trong thời gian vừa qua, ngành Du lịch đã có bước tăng trưởng khá, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng ước đạt 6.452.373 lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều loại hình du lịch mới được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách, trong đó loại hình du lịch mạo hiểm đã được đông đảo du khách đón nhận như: lặn biển, thám hiểm hang động, lướt ván thuyền buồm, cưỡi ngựa; zipline…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, du lịch mạo hiểm tại Việt Nam phát triển rất nhanh trong ít năm gần đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xây dựng được văn bản pháp luật nào để điều chỉnh lĩnh vực này khiến cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp khai thác du lịch mạo hiểm trong cả nước gặp nhiều lúng túng trong quá trình khai thác, quản lý. Từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Lâm Đồng đã xảy ra không ít vụ tai nạn có liên quan đến du lịch mạo hiểm, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của du khách. Đây là lần lấy ý kiến đóng góp đầu tiên cho dự thảo này. Tổng cục Du lịch kỳ vọng sau khi hoàn thiện bản dự thảo sẽ được trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và ban hành vào năm 2017.
Bản dự thảo Quy chế tổ chức, quản lý và khai thác hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm gồm 5 Chương, 15 Điều, quy định về quy trình, thủ tục tham gia tổ chức, khai thác kinh doanh hoạt động du lịch mạo hiểm; Điều kiện kinh doanh du lịch mạo hiểm đối với tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm có du lịch mạo hiểm; Các điều kiện đối với khách du lịch khi tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu, điểm du lịch; các doanh nghiệp lữ hành…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và đưa ra những giải pháp tăng cường công tác quản lý đối với loại hình du lịch mạo hiểm; hoàn thiện Quy chế quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về việc tổ chức và kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn cả nước, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của du khách khi tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm và phát triển du lịch mạo hiểm trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa chia sẻ, với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tỉnh Lâm Đồng đã và đang khai thác có hiệu quả loại hình du lịch mạo hiểm hấp dẫn như: đu dây vượt thác, hành trình trên cao, leo vách đá, đi bộ trong rừng, đua xe đạp địa hình, chèo thuyền Kayzak, chèo thuyền vượt ghềnh thác… để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách đặc biệt là khách du lịch quốc tế khi đến Đà Lạt - Lâm Đồng.
Là địa phương có hoạt động tổ chức và kinh doanh du lịch mạo hiểm tương đối phát triển; trong thời gian vừa qua, bên cạnh việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành, khu điểm du lịch khai thác kinh doanh du lịch mạo hiểm; nhằm tạo hành lang pháp lý làm căn cứ triển khai công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tổ chức và kinh doanh du lịch mạo hiểm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 về việc Quy định tạm thời về quản lý hoạt động tổ chức và kinh doanh du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Quy định đối với các đơn vị kinh doanh du lịch mạo hiểm, khu điểm du lịch phải đảm bảo đủ các điều kiện về thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị; nguồn nhân lực, thông tin liên lạc và cứu hộ cứu nạn trong quá trình tổ chức các loại hình du lịch mạo hiểm phục vụ du lịch. Yêu cầu các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch mạo hiểm, thường xuyên theo dõi, kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
PV