Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, dịp nghỉ Tết Dương lịch năm nay thời gian nghỉ ngắn ngày nên nhiều người dân chọn phương án nghỉ ngơi, du lịch tại chỗ thay vì thực hiện hành trình di chuyển xa. Trong dịp này, ước tính khách du lịch đến Hà Nội đạt 402 nghìn lượt khách, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 72 nghìn lượt khách, tăng 2,1 lần; khách du lịch nội địa ước đạt 330 nghìn lượt khách, tăng 59%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn dịp này đạt khoảng 60% (trong đó khách nội địa ước đạt khoảng 35,3%; khách quốc tế đạt khoảng 24,7%); tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Một số khách sạn, căn hộ hạng 4-5 sao, hay khu vực phố cổ và các homestay, resort ngoại thành có công suất sử dụng phòng cao như: Khách sạn Capela 90%; Khách sạn Lacasa Hotel khoảng 90%; Khách sạn Grand Vista Hà Nội 76,4%; Khách sạn Lasieta 85%; Khách sạn ; Khách sạn Flower Garden 84%; Khách sạn conifer 73%; Khách sạn Pullman 67,25%; Khách sạn Wyndham 57%; Khách sạn Sunway Hanoi 74%; Khách sạn JW Mariott 71,4%; Khách sạn Novotel Thái Hà 60%; Khách sạn Bảo Sơn 55%... Tại các trung tâm thương mại, mua sắm, ăn uống, giải trí đạt chuẩn phục vụ khách du lịch lượt khách và sức mua tăng cao, ước tính doanh thu tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong dịp Tết Dương lịch năm nay, nhiều khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Hà Nội đã ra mắt nhiều chương trình, sản phẩm du lịch mới, tổ chức các hoạt động, sự kiện hấp dẫn nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Điển hình như Chương trình “Chào năm mới 2024” tại Quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám; Chùm các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực chào đón năm mới, hội chợ xúc tiến thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, triển lãm cây cảnh nghệ thuật tại các tuyến phố đi bộ, điểm tham quan. Đặc biệt, vào tối 31/12/2023 tại phố đi bộ thành cổ Sơn Tây, UBND thị xã Sơn Tây tổ chức chương trình chào năm mới 2024 và phát động “Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2024” với chùm hoạt động hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa; triển lãm trang phục tại không gian trà Vân, trình diễn ẩm thực tại Bếp Làng, trải nghiệm sơn mài tại không gian của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở Làng cổ Đường Lâm.
Cũng trong dịp này, Không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận được cho phép kéo dài đến hết ngày 1/1/2024 cùng với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống để phục vụ người dân và du khách. Hoàng thành Thăng Long tổ chức hoạt động chào cờ trước cửa sân Đoan Môn, gợi nhớ lại lễ chào cờ lịch sử đầu tiên sau ngày Giải phóng Thủ đô của 69 năm về trước; Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử - danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn tổ chức hoạt động trưng bày 40 bức ảnh quý về đền Ngọc Sơn; Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức chương trình trải nghiệm đêm với chủ đề “Tinh hoa đạo học”; Chương trình đạp xe khám phá Hà Nội về đêm với chủ đề “Đêm Thăng Long - Hà Nội”. Công viên Thống Nhất tổ chức Lễ hội “Miền hoa” với nhiều loại hoa độc đáo khoe sắc; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra chuỗi hoạt động “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”; Tour tham quan những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng của Hà Nội: làng sinh vật cảnh Hồng Vân, điểm du lịch Phù Đổng, khu du lịch Nhật Tân, hồ Tây… Các hoạt động cắm trại, leo núi, đi bộ địa hình tại các vùng ngoại thành thành phố cũng diễn ra sôi động…
Thanh Minh