Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 439,7 nghìn lượt, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022, tăng 5,8% so với tháng 3/2023; khách du lịch nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt khách, tương đương cùng kỳ năm 2022, tăng 6% so với tháng 3/2023. Tổng thu từ khách du lịch trong tháng 4/2023 ước đạt hơn 8,5 nghìn tỷ đồng, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 5,8% so với tháng 3/2023.
Tháng 4/2023, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày, du lịch Thủ đô Hà Nội hứa hẹn tăng trưởng khá so với các tháng trước. Dự kiến, 4 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 8,14 triệu lượt khách, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 1,44 triệu lượt khách, tăng 18 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 6,7 triệu lượt khách, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 30,15 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4/2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 65,5%, tăng 9,1% so với tháng 3/2023. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 602 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.432 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,2% tổng số phòng. Hà Nội hiện có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, tháng 4/2023, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Thông báo số 12/TB-SDL về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong cơ quan Sở; Văn bản số 396/SDL-QLCSLT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động du lịch trên địa bàn; Văn bản số 414/SDL-QLCSLT về việc đảm bảo công tác an ninh, an toàn và nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trên địa bàn, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4-01/5...
Sở Du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn khảo sát gồm phóng viên báo chí và doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đến khảo sát sản phấm du lịch tại Hà Nội.
Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục triển khai đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, trang website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội – Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Trong tháng 5/2023, Sở Du lịch Hà Nội sẽ ban hành và triển khai Kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề; điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì. Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phấm du lịch golf. Trong đó, tập trung phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch golf; nâng cao khả năng tiếp cận du lịch golf đối với du khách; tổ chức các giải đấu golf chuyên nghiệp, hấp dẫn, có thương hiệu, sức hút lớn; kết nối sản phẩm du lịch golf với các sản phẩm du lịch thế mạnh của các địa phương. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô... gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã; trước mắt tập trung nghiên cứu tổ chức, khai thác tuyến Bến Bạc - Bát Tràng.
Thanh Minh