Hút khách bằng sức mạnh nội sinh
Với vị trí là phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc núi non hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng cùng truyền thống lịch sử lâu đời, với 335 di tích về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh, trong đó có 32 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 108 điểm khu, điểm di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Đồng thời, với nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh… tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu thống nhất cùng với đó là nhiều sản vật xứ Lạng phong phú, độc đáo đã được ghi nhận trong top đặc sản và sản vật Việt Nam.
Theo đánh giá của các CEO du lịch, Lạng Sơn có sự kết hợp phong phú, hài hòa giữa vị trí địa lý, thiên nhiên, tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và chiều sâu văn hóa... Bên cạnh đó, chính sách “mở cửa” thu hút đầu tư của tỉnh sẽ là “chất xúc tác tốt” để tạo cho du lịch Lạng Sơn bứt phá sau nhiều năm chưa được định vị đúng thương hiệu.
Chia sẻ về niềm tự hào của du lịch Lạng Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho hay, ngoài thế mạnh về lịch sử và tài nguyên thiên nhiên được tạo hóa ban tặng, Lạng Sơn nổi lên như một điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế về vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện nhiều dự án lớn và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch. Lạng Sơn là điểm nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn hàng đầu trong nước và các nước ASEAN sang Trung Quốc. Là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Quảng Tây - Trung Quốc dài 231,74km, 2 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị về đường bộ, Đồng Đăng về đường sắt; 2 cửa khẩu quốc gia Chi Ma và Bình Nghi; 9 cửa khẩu phụ và các cặp chợ đường biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho Lạng Sơn trở thành điểm giao lưu, trung tâm thương mại quan trọng của cả nước, đó là thế mạnh là điểm tựa vững bền thúc đẩy du lịch Lạng Sơn phát triển. “Với tất cả những lợi thế đó, thời gian qua Lạng Sơn đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về cả kinh tế và du lịch. Đặc biệt thành phố Lạng Sơn đang dần trở thành đô thị hạt nhân, là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc, là đầu mối giao thương liên vùng, quốc tế và giao thông quan trọng của hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Bắc Bộ” – ông Hà nhấn mạnh.
Đầu tư tạo sản phẩm mới, đặc thù
Xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Lạng Sơn đều quan tâm dành cho ngành kinh tế du lịch một vị trí quan trọng, mang tính lâu dài. Theo đó, Lạng Sơn đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số khu, điểm du lịch tiềm năng; ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Đến nay, Lạng Sơn đã thu hút nhiều tập đoàn lớn như: Sungroup, Vingroup, tập đoàn địa ốc Phú Long với dự án Mailand Hoàng Đồng….
Ông Phạm Đình Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Kiến trúc và Phát triển du lịch, người phụ trách thiết kế cảnh quan kiến trúc Khu du lịch Danh thắng thác Bản Khiếng cho biết, để tạo cảnh quan điểm đến hấp dẫn du khách những vẫn đảm bảo giữ nét nguyên sơ của núi rừng miền biên viễn, tại Bản Khiếng đã có những thiết kế và tính toán đầu tư hạ tầng cho phù hợp môi trường và xu hướng thị trường khách. “Yếu tố tự nhiên nhưng khác biệt luôn được chúng tôi quan tâm bởi đó là sức sống của điểm đến. Chúng tôi luôn trăn trở làm sao để khi du khách trải nghiệm và cảm nhận được những khác biệt mà chỉ ở Lạng Sơn mới có” – ông Phong khẳng định.
“Cảm xúc mỗi lần đến một điểm du lịch sẽ khác nhau, do đó để tạo cho du khách có những trải nghiệm khác biệt, ngành Du lịch Lạng Sơn sẽ luôn nỗ lực, ghi nhận những ý kiến đóng góp, những “kế sách” để đưa ngành công nghiệp không khói của tỉnh nhà lên bước tiến mới.” – đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Lạng Sơn bày tỏ.
7 ý kiến tại Chương trình giới thiệu du lịch Lạng Sơn “Trải nghiệm và cảm nhận”, đại diện các doanh nghiệp, đơn vị du lịch lữ hành đã chia sẻ, tham gia góp ý kiến và những giải pháp để đưa du lịch Lạng Sơn trở thành một điểm nhấn của khu vực, có tốc độ phát triển cao tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Lạng Sơn như: Làm mới sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng vùng miền; nâng tính định vị thương hiệu cho các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn…
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, thời gian gần đây Lạng Sơn cũng đã tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch đến với các hãng lữ hành, nhất là việc giới thiệu các sản phẩm mới gắn với thế mạnh về du lịch thiên nhiên những trải nghiệm mới cho khách du lịch bên cạnh những thế mạnh về du lịch văn hóa vốn có của Lạng Sơn. Với những trải nghiệm mới, danh thắng tiêu biểu, di tích gắn với thiên nhiên sẽ tạo cho khách du lịch những trải nghiệm mới, nhất là thời điểm sau đại dịch COVID-19 bùng phát khách du lịch đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng dịch vụ hòa với thiên nhiên hơn. “Tôi hy vọng Lạng Sơn sẽ kết nối những trải nghiệm mới này với những đặc sắc về văn hóa, lễ hội tâm linh, văn hóa ẩm thực… để tạo thành tuyến điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch” – ông Phương nói.
Đồng thời ông Phương cũng mong muốn Lạng Sơn sớm hoàn thiện việc công nhận công viên địa chất toàn cầu gắn với các cảnh quan thiên nhiên của Lạng Sơn để tạo ra thương hiệu mới cho du lịch Lạng Sơn bên cạnh những di tích văn hóa cùng hơn 300 lễ hội mỗi năm cùng văn hóa ẩm thực đặc sắc. “Nếu được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu thì Lạng Sơn sẽ có điểm du lịch là điểm nhấn mới, thêm những trải nghiệm mới cho khách du lịch khi đến với Lạng Sơn.” – Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Giám đốc Sở VHTTDL Lạng Sơn cũng khẳng định, sau khi Trung Quốc nới lỏng phòng chống dịch COVID-19, Lạng Sơn đã có những chương trình, kế hoạch phục hồi du lịch, trong đó có việc làm mới sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc thù như: phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch cộng đồng, du lịch biên mậu, du lịch nông thôn và các hoạt động liên quan đến sản xuất quà lưu niệm phục vụ du khách… sắp tới sẽ có những tuyến du lịch mang “chất” riêng của xứ Lạng để phục vụ và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch bối cảnh mới.
Anh Hoa