Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn
Trên địa bàn toàn thành phố hiện có 5.922 di tích, với nhiều di sản được UNESCO công nhận như: Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; Di sản tư liệu thế giới 82 bia Tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Lễ hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn). Các di tích này luôn là những điểm đến tiêu biểu, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế. Đến nay, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận 21 khu, điểm du lịch cấp thành phố.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng trung bình 10,1%/năm, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch vào GRDP thành phố ngày càng cao, phát huy vai trò của ngành kinh tế tổng hợp, có mức độ tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao: “Điểm đến Thành phố hàng đầu thế giới” do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) trao tặng hai năm 2018, 2019; Thành phố Hà Nội đứng thứ 6 trong Top 25 Điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới năm 2021; đứng thứ 2 trong Top 25 Điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á do chuyên trang du lịch nổi tiếng Trip Adivisor công bố…
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Lượng khách quốc tế và khách nội địa giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch Thủ đô đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 63/KH-SDL nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch và triển khai ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương, nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ du khách và tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch. Sở Du lịch Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ra Quyết định số 3928/QĐ-UBND về thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Bộ tiêu chí là căn cứ để thành phố Hà Nội đánh giá mức chất lượng của các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô và là cơ sở để định hướng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý các điểm đến du lịch trong việc nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch, phấn đấu đạt được mức khu, điểm du lịch chất lượng cao của Hà Nội.
Trong bối cảnh các điểm tham quan, bảo tàng, di tích liên tục phải đóng cửa, tạm dừng đón khách để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, ngành Du lịch Hà Nội đã triển khai xây dựng hoạt động trải nghiệm du lịch ảo bằng công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour nhằm hỗ trợ du khách tiếp cận và hiểu thêm về các giá trị tự nhiên – văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện nay, tour du lịch ảo đã chính thức được ra mắt tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch cũng tập trung sáng tạo, xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch nhằm góp phần đa dạng hóa sản phẩm như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò với “Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt”, “Sống như những đóa hoa”, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long với “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, Vườn quốc gia Ba Vì với “Bay khinh khí cầu ngắm hoa dã quỳ”, Văn Miếu - Quốc Tử Giám với “Chương trình giáo dục di sản”, Bảo tàng Dân tộc học với các hoạt động trải nghiệm văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số và hoạt động trải nghiệm theo các ngày lễ hội trong năm,…
Trong năm 2021, ngành Du lịch Thủ đô cũng đã tích cực liên kết phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình OCOP. Nội dung chính của mô hình này là lựa chọn những làng nghề, nghề truyền thống có điều kiện và tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm quà tặng mang đặc trưng từng địa phương. Đây là mô hình đem lại lợi ích nhiều mặt, không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Hà Nội phát triển sau đại dịch COVID-19, mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương. Một số điểm đến nổi bật như làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), khảm trai Chuyên Mỹ, làng nghề may Vân Từ (huyện phú Xuyên), sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín),… ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, đã tạo được thương hiệu và sức cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ trải nghiệm chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 lên ngành Du lịch Hà Nội là rất nặng nề trong vòng 2 năm vừa qua. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để Du lịch Thủ đô không ngừng phát huy tính sáng tạo nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nhằm thu hút khách. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô an toàn, hấp dẫn, từng bước vượt qua những khó khăn trước mắt để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới bền vững hơn.
Đặng Hương Giang
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)