Chợ Thượng - Tân Yên
Là phiên chợ âm dương độc đáo thuộc làng Cao Thượng, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, chợ Thượng còn có các tên gọi khác như: chợ đình, chợ âm dương, chợ âm phủ, chợ mùng 2.
Chợ Thượng mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày mồng 2 Tết Nguyên đán. Chợ họp từ 3 giờ sáng đến khi mặt trời lên. Theo quan niệm của người dân Bắc Giang, đi chợ Cao Thượng chủ yếu để lấy lộc đầu năm. Từ 3 giờ sáng, người dân các làng lân cận Cao Thượng đã rộn ràng đi chợ. Trên khu đất rộng trước chùa, sau đình là nơi bày bán hàng. Xưa là những dãy ngang, dãy dọc thắp sáng bằng nến, đèn dầu. Từ khi có điện thắp sáng về Cao Thượng, những cây đèn dầu đã được thay bằng điện và chợ ngày càng đông vui với đủ các mặt hàng như: quần áo, hoa quả, bánh kẹo..., nhưng nhiều nhất vẫn là đặc sản ẩm thực của địa phương: bún, cá, rau cần, bánh đa, bánh gio...
Với quan niệm đi chợ âm dương chủ yếu để lấy lộc may đầu năm, người người đến chợ ai nấy đều vui vẻ, phấn chấn, cởi mở trong không khí ngày xuân. Họ quan niệm rằng đi chợ là dịp làm phúc, làm điều thiện cho người đã khuất. Tại phiên chợ này, người mua không mặc cả, người bán không nói thách. Ngoài việc trao đổi mua bán hàng hóa, bà con còn trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Chợ Thượng mồng 2 tết là phiên chợ âm dương duy nhất còn lại ở Bắc Giang nay vẫn họp trước đình Cao Thượng, ngôi đình cổ nổi tiếng xứ Kinh Bắc đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Chợ phiên Cán Cấu
Chợ phiên Cán Cấu thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, cách thành phố Lào Cai gần 100km về phía Đông Bắc, cách thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai gần 30km về phía Bắc. Chợ họp vào các ngày thứ bảy hàng tuần và các ngày lễ, tết trong năm ngay ven đường 153, con đường đất đỏ duy nhất nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Si Ma Cai. Khung cảnh chợ phiên Cán Cấu thật đẹp và sinh động, xung quanh chợ là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp nối tiếp nhau bám vào sườn núi; phía xa xa, núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, trùng trùng, điệp điệp ngút tầm mắt…
Chợ phiên Cán Cấu là chợ của người Mông Hoa và người Giáy nhưng lại thực hiện theo lối buôn bán của người Dao. Tờ mờ sáng, từng dòng người Mông Hoa, Giáy từ các bản, làng nô nức kéo về chợ; người đi bộ, người đi ngựa mang theo các sản phẩm dệt, may, nông sản và gia súc, gia cầm. Chợ được chia thành những khu bày bán đủ các loại mặt hàng như: rau, quả, thảo dược, gia vị, đồ gia dụng… Các sản phẩm thổ cẩm đủ màu sắc của người Mông Hoa tập trung thành một khu và được bày lên những tấm nilon rải trên mặt đất. Tuy nhiên, nổi bật nhất trong chợ là khu vực bán gia súc, gia cầm, vì đó là những loại vật nuôi gắn liền với đời sống hàng ngày cũng như phục vụ công việc nhà nông của người Mông Hoa, người Giáy. Ai đến chợ cũng mong chọn được giống gia súc tốt mang về. Không khí khu vực này thật náo nhiệt, người mua, người bán đứng ngồi rải rác và cùng thỏa thuận mua bán với nhau.
Bên cạnh đó, khu vực dành cho các món ����n truyền thống của người dân tộc cũng khá sôi động. Hòa trong làn khói nghi ngút bốc lên từ những căn lều tranh là vô số các âm thanh náo nhiệt: tiếng nói chuyện ầm ĩ, tiếng bát đũa va vào nhau lanh canh. Trong không gian huyên náo ấy, du khách sẽ dừng chân, ngồi xuống cùng thưởng thức các món ẩm thực của đồng bào dân tộc. Trong tất cả các món, thắng cố được người dân tộc yêu thích nhất.
Chợ Giải
Hải Phòng vẫn còn lưu giữ được một phiên chợ cổ với tục lệ đẹp, đó là chợ Giải họp tại khu vực đền Hà Đới (thôn Hà Đới, xã Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng). Chợ Giải là phiên chợ cầu may, mỗi năm chỉ họp một phiên vào sáng ngày mồng 2 Tết Nguyên đán, ngày mở chợ cũng là ngày hội làng.
Là phiên chợ “buôn may, bán rủi”, chợ Giải có những nét tương đồng chợ Viềng của tỉnh Nam Định. Người dân mang sản vật của nhà ra chợ bán lấy may chứ không tính toán, cầu lợi, tuyệt đối không bán đắt, lợi dụng người mua. Tên chợ Giải còn hàm ý là giải trừ những khó khăn, lo lắng, ưu tư, sầu muộn của con người. Chợ họp ở khoảng sân trước và ngay trên đường bao quanh đền Hà Đới, một trong ngũ linh từ của huyện Tiên Lãng. Đây là phiên chợ mang ý nghĩa tâm linh nên thu hút khá đông người dân địa phương tham gia.
Từ rạng sáng ngày mồng 2 tết, chợ bắt đầu họp, các sạp hàng bán đủ loại nhưng chủ yếu là sản vật địa phương từ đồ lễ, túi lộc gạo muối, mớ rau, con cá tới con dao, cái cuốc, đồ chơi trẻ em... Sau khi lễ đền, người ta dạo quanh các sạp hàng, mua một món hàng gì đó với mong muốn cả năm sẽ gặp nhiều may mắn. Đồ lễ, các túi gạo, diêm, muối cầu may đầu năm là những thứ được nhiều người mua nhất. Chợ họp từ sáng sớm tới gần trưa thì kết thúc. Trước đây, hội chợ Giải còn có nhiều trò chơi dân gian như cờ người, đánh đu.
Theo các bậc cao niên trong làng, chợ Giải như một lễ hội tưởng nhớ thượng tướng quân Trần Quốc Thành, thành hoàng 2 làng Hà Đới - Ngọc Động (xã Tiên Thanh). Tương truyền vào thế kỷ thứ 13, thượng tướng quân Trần Quốc Thành về trấn thủ vùng này, ông cho đóng quân đồn trú, lập trang ấp. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ ông, hằng năm, vào sáng mồng 2 tết, người dân địa phương lại họp chợ mua bán cầu may. Đây là phiên chợ độc đáo nhưng trong quá khứ đã từng có thời gian bị quên lãng. Hiện nay, chợ đã được khôi phục và địa phương đang có nhiều nỗ lực giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này của Tiên Lãng, Hải Phòng.
Chợ Viềng Xuân
Chợ Viềng Xuân thuộc thôn Kim Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Chợ mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên kéo dài từ đêm mồng 7 đến sáng ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch.
Người xưa có quan niệm rằng “nếu lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm, và cũng có thể là lỡ cả một đời người”. Người đến chợ Viềng thuộc các tỉnh, thành lân cận Nam Định như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh…, ai cũng cố đi chợ Viềng một lần để cầu mong một năm buôn may bán đắt, để vui chơi và tìm mua được một món đồ lấy may.
Chợ được dựng tạm bằng vật liệu tre, nứa, chạy dài suốt 5km với đủ sắc màu. Đến với chợ Viềng Xuân, người ta không mua bán những nhu yếu phẩm như gạo, thịt, quần áo, giày dép, đồ gia dụng… càng không phải là các mặt hàng cao cấp, xa xỉ mà chủ yếu là những sản phẩm mang tính chất phục vụ sản xuất tiểu nông như cái cày, cái bừa, cái cuốc, con dao, cái liềm, thúng mủng… hoặc là một số giống cây trồng như: chanh, ớt, các loại cây cảnh, hoa, cây ăn trái…
ThS. Trần Thị Tuyết Mai