Đến tham quan làng hoa giấy Thanh Tiên có truyền thống hơn 300 năm nằm ở phía hạ lưu sông Hương (thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào những ngày cuối năm, chúng tôi vô cùng ấn tượng trước khung cảnh rộn ràng và rực rỡ sắc màu nơi đây. Bà Nguyễn Thị Tâm (55 tuổi, trú làng Thanh Tiên) cho hay, vào tháng chạp việc làm hoa giấy mới bắt đầu nhộn nhịp nhưng từ tháng 9 gia đình bà đã thực hiện các công đoạn như chặt tre, chẻ tre, phơi tre, vót nan, nhuộm tre, chọn giấy, nhuộm giấy, tạo màu… Để phục vụ nhu cầu khách hàng ngày tết, gia đình bà sản xuất khoảng 10.000 cành hoa, mọi người phải làm việc liên tục thậm chí làm cả ban đêm mới kịp các đơn hàng. Theo các bậc cao niên làng Thanh Tiên, nghề làm hoa giấy nơi đây xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được bài trí trang trọng ở những nơi thờ Trang Ông, Trang Bà, am Cảnh, ông Táo… Hàng năm cứ vào dịp tết cổ truyền, người ta lại mua hoa mới về thay cho hoa năm trước. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và lan tỏa ra các tỉnh lân cận khác như: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk… cũng như những nơi có người Huế cư ngụ mỗi khi tết đến, xuân về.
Hoa giấy nhìn bề ngoài đơn giản nhưng mỗi bông hoa khác nhau lại chuyển tải những lý thuyết Nho học của người phương Đông. Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên bao giờ cũng có 8 bông chính. Trong đó, 3 bông hoa ở giữa tượng trưng cho “Quân - Sư - Phụ”, cũng có thể là “Thiên - Địa - Nhân” hoặc “Trung - Hiếu - Nghĩa”. Đặc biệt, luôn có một bông hoa màu vàng hoặc màu đỏ to nhất tượng trưng cho mặt trời, đấng minh quân, còn 5 bông hoa xung quanh tượng trưng cho “Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”.
Đối với người làng Thanh Tiên, nghề làm hoa giấy vào dịp tết chỉ là lấy công làm lời, nhưng vì quý trọng nghề truyền thống của cha ông nên nhiều gia đình vẫn gắn bó với nghề. Nghệ nhân Nguyễn Hai (67 tuổi) cho biết: “Từ năm 10 tuổi, tôi đã bắt đầu làm hoa phụ giúp ông bà, cha mẹ và đến nay vẫn theo đuổi để duy trì và phát triển nghề”. Hiện nay, hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt ở nhiều nơi, người làm hoa ở làng có việc làm quanh năm. Sản phẩm của làng Thanh Tiên không những có mặt tại các kỳ Festival Huế, Festival làng nghề truyền thống Huế, Lễ hội áo dài… mà còn theo chân du khách đi khắp mọi miền đất nước như Đà Nẵng, Hội An, Sài Gòn, Hà Nội và bay đến các nước Mỹ, Pháp, Thái Lan…
Ngoài việc sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp tết cho người dân xứ Huế, làng nghề Thanh Tiên còn chú trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm. Ngôi làng nhỏ thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch về tham quan. Đây cũng là động lực giúp người dân Thanh Tiên bám trụ và phát triển nghề.
Trong những ngày tết, dù đã mua rất nhiều hoa tươi, người Huế vẫn không quên mua vài cành hoa giấy để dâng lên thần linh, tổ tiên, am miếu… Trải qua hàng trăm năm, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên không hề tàn lụi mà ngày càng phát triển. Những cành hoa rực rỡ sắc màu không chỉ tô điểm thêm cho phong vị tết mà còn làm nên nét đặc trưng của văn hóa đất cố đô. |
Lê Văn Kỳ