Nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng cho biết, Nghi Xuân là huyện đồng bằng ven biển, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, nhiều di tích danh thắng nổi tiếng và nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể văn hóa có giá trị. Hiện nay, huyện Nghi Xuân đã có các cơ sở khách sạn, nghỉ dưỡng 4 - 5 sao đảm bảo chất lượng lưu trú cho khách du lịch. Nghi Xuân bước đầu đã hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như: du lịch cộng đồng Phong Giang thị trấn Tiên Điền; du lịch sinh thái vườn Đức Đường xã Xuân Viên, du lịch trải nghiệm nông thôn mới Xuân Mỹ, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Minh Gia, xã Cương Gián… Huyện cũng triển khai xây dựng sản phẩm OCOP theo chương trình mỗi xã một sản phẩm như: dầu lạc, sứa ăn liền, dưa lưới, kẹo cu đơ, lạc rang cát, tôm nõn, đông trùng hạ thảo, cá ngần, cá trỏng khô, giò bò… Trong định hướng phát triển du lịch, Nghi Xuân chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, xây dựng cơ chế chính sách; phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đồng thời, chú trọng xây dựng một số mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Ngoài ra, Nghi Xuân sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút phát triển du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhân lực du lịch và người dân quanh điểm du lịch…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng, Can Lộc có 3 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, đây cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng như chùa Hương Tích - núi Hồng, hồ Cửa Thờ - Trại Tiểu, hồ Nhà Đường… là tiềm năng phát triển các loại hình du lịch lịch sử văn hóa, về nguồn, lễ hội, sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm… Hiện nay, các điểm đến ở Can Lộc đã được sự quan tâm, đầu tư, nâng cấp, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, du lịch; các cơ sở lưu trú được quan tâm đầu tư về chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, đảm bảo phục vụ du khách sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. “Can Lộc luôn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội; đẩy mạnh trải nghiệm các hoạt động văn hóa; khai thác thế mạnh du lịch làng nghề, ẩm thực; đẩy mạnh các hoạt động du lịch tại điểm. Để thu hút khách, bước đầu Can Lộc xây dựng cẩm nang du lịch tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghiên cứu, xây dựng các tour kết nối với các địa phương lân cận trong tỉnh, khu vực để thu hút khách đến Can Lộc tham quan và có những trải nghiệm”, ông Dũng chia sẻ.
Cần xây dựng sản phẩm đặc trưng, tăng cường liên kết để phát triển
Tại Hội thảo, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch Hoàng Hoa Quân cùng lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch chia sẻ thông tin về tình hình Du lịch Việt Nam sau khi mở cửa đón khách trở lại từ sau ngày 15/3/2022, cung cấp thông tin về thị trường du lịch quốc tế mà Du lịch Việt Nam hướng tới.
Trao đổi tại hội thảo, lãnh đạo hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc cũng đã đề cập đến những khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, từ chương trình khảo sát thực tế tại hai huyện, các doanh nghiệp lữ hành cũng đề cập đến tiềm năng thế mạnh, đề xuất giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để thúc đẩy Du lịch hai huyện nói riêng và Du lịch Hà Tĩnh nói chung phát triển trong thời gian tới; đồng thời, chia sẻ thông tin về chuyển đổi số trong ngành Du lịch, xu hướng tất yếu trong tiến trình hội nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Nhị - Công ty CP Thương mại và Du lịch Hải Đăng, hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đi đôi với cơ sở hạ tầng; quan tâm xây dựng những sản phẩm đặc trưng, tạo dấu ấn riêng, tăng tính trải nghiệm tại điểm đến, khai thác nét ẩm thực độc đáo để đưa vào sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
Qua khảo sát, bà Võ Thị Huyền - Công ty Du lịch Phương Nam Travel chia sẻ, để thu hút khách đến với hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá, cần sự tham gia của những nhân vật nổi tiếng, tạo điểm nhấn của những điểm đến.
Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Nguyệt - Công ty Du lịch Viettours Hà Nội cho hay, qua thực tế cho thấy hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc có nhiều tiềm năng về biển, núi, di tích danh thắng, lễ hội để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch MICE, teambuilding, golf, về nguồn, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa…. Các sản phẩm chưa đủ sức hấp dẫn du khách nên cần quan tâm, đầu tư các hoạt động trải nghiệm tại khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, quan tâm tới nhà vệ sinh, thùng rác ở di tích chùa Hương tích, bến đỗ xe điện, cáp treo, tăng thêm các trải nghiệm tại các làng nghề, nghiên cứu phát triển loại hình du lịch cộng đồng; đồng thời tạo ra các chuỗi cung ứng dịch vụ với giá thành hợp lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối với các địa phương trong vùng, kết nối với hàng không, các công ty lữ hành, nghiên cứu xây dựng và xuất bản bản đồ du lịch hai huyện nói riêng và Hà Tĩnh nói chung cho du khách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu khẳng định, những ý kiến đóng góp này là những gợi ý quý giá để Du lịch Hà Tĩnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị 2 huyện Nghi Xuân và Can Lộc cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó xây dựng định hướng, giải pháp chiến lược đầu tư phát triển xứng tầm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của hai huyện nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Tuấn Hải